Vai trò của cầu nguyện trong y khoa

 

Trên đây ta có nói rằng trong khi cầu nguyện, ta có thể cầu với những người còn sống. Chúng ta cũng đã đi xa hơn bằng cách nói rằng mình cũng có thể cầu nguyện với trăng sao, và với cây tùng trước ngõ! Lý do là vì qua trăng sao, qua cây tùng trước ngõ, và qua những người còn sống, chúng ta có thể tiếp xúc được với năng lượng của bản môn.

Hồi Bụt còn tại thế, người ta đã bắt đầu thực tập như vậy rồi. Các thầy đã niệm: “Con về nương tựa Bụt, Buddham Saranam Gacchami”. Không đợi Bụt niết bàn rồi ta mới thực tập quay về nương tựa Bụt. Ngoài ra, hồi đó người ta cũng đã cầu tăng. Thầy Mục Kiền Liên đã khẩn cầu tăng thân chú nguyện cho mẹ của thầy. Nghĩa là các thầy cũng đã thực tập Con về nương tựa Tăng, Sangham Saranam Gacchami. Tại vì khi các vị xuất gia và tại gia ngồi lại với nhau, đem năng lượng chánh niệm của mình mà chú nguyện, thì các vị đó có thể tiếp xúc và đánh động tới cái năng lượng của các vị Bụt, các vị Bồ tát, cái năng lượng của bản môn, để đem đến một sự thay đổi.

Năng lượng chánh niệm là một năng lượng có thật, mà hễ là năng lượng thì nó có thể thay đổi. Ví dụ năng lượng mặt trời có thể thay đổi sự sống trên trái đất. Gió cũng là năng lượng, nước cũng là năng lượng. Chánh niệm của ta cũng là một loại năng lượng. Năng lượng này có thể thay đổi được tình trạng của thế giới, của con người. Cho nên tạo được năng lượng chánh niệm, là chúng ta có thể cầu nguyện.

Trong một bài pháp thoại trước đây, tôi có nói rằng trong tăng thân chúng ta có những vị Bồ tát sống. Những vị Bồ tát có khả năng nghe chúng ta, hiểu chúng ta, và có thể đem sức của mình, đem trái tim của mình tới để giúp người khác được. Điều này có thật. Những vị Bồ tát đó đôi khi còn rất trẻ. Chúng ta đừng đi tìm các vị Bồ tát ở trên mây. Ngay trong tăng thân này cũng có rất nhiều vị Bồ tát, và có khi ngủ chung phòng với một vị Bồ tát mà quý vị không hay! Quý vị có chuyện gì, có lo buồn nào, có sự khó khăn nào, thì vị Bồ tát đang ngủ chung phòng với quý vị cũng có thể giúp quý vị mà quý vị không biết. Vị Bồ tát bằng xương bằng thịt kia là chị của mình, là anh của mình, hay là em của mình, mà mình không biết. Mình ưa đi tìm một vị Bồ tát trong tranh! Có thể tôi đang ở trong một ngôi nhà, trong đó có đến ba bốn vị Bồ tát mà tôi dửng dưng, và coi thường.

Bồ tát là gì? Bồ tát là một con người có năng lượng của hiểu, có năng lượng của thương, và có năng lượng của hành động. Khi mình lâm nguy, khi mình gặp khó khăn thì vị Bồ tát có thể đến để cứu độ mình. Hiểu nghĩa của Bồ tát như vậy thì quả thật chúng ta có những vị Bồ tát sống, đang sống ngay trong tăng thân của chúng ta. Họ đang tu, đang chứng mỗi ngày.

Tu và chứng là chuyện đang xảy ra hàng ngày trong tăng thân. Bước mười bước trong chánh niệm là tu. Có sự an lạc thảnh thơi trong mười bước đó là chứng. Tu chứng không phải là vấn đề xa vời. Có những cái tu chứng nhỏ đưa tới cái tu chứng lớn. Chúng ta thực sự đều là những người có tu và có chứng. Chúng ta phải thấy như vậy để đừng có mặc cảm trên bước đường tu học.

Trên đây, chúng ta đã có dịp tìm hiểu bài cầu nguyện của các tín hữu Ki-tô: Bài Lạy Cha. Chúng ta hãy đọc câu cuối của bài này: Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ, Amen. (Do not lead us into trial, but save us from Evil – Ne nous soumets pas à la pentation, mais délivre nous du Mal).

Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, những cám dỗ này là những cám dỗ của tham, của giận, của chua cay, của nghi ngờ. Cám dỗ của Sa-tăng, cám dỗ của ba nghiệp chướng[1], của ngũ dục[2].

Theo kinh ngiệm thực tập của chúng ta thì khi ở một mình, chúng ta rất dễ bị cám dỗ, rất dễ bị sa vào sự cám dỗ. Nhưng khi ở chung trong một tăng thân, ở với sư anh, sư em, hay với sư chị, sư em, thì chúng ta được bảo bọc bởi cái năng lượng của tăng thân, và chúng ta sẽ không dễ dàng sa vào sự cám dỗ. Sự cám dỗ đó có thể là sự sợ hãi. Sợ hãi cũng là một sự cám dỗ.

Vì vậy cho nên cầu nguyện cũng có thể thực hiện bằng hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói. Khi chúng ta có chánh niệm, khi chúng ta có tăng thân thì chúng ta ở vào một vị trí vững chãi hơn nhiều. Chúng ta không bị cám dỗ, chúng ta không bị sa vào những con đường gọi là ác đạo, rơi vào ba con đường dữ; con đường của ngạ quỉ (tức là loài quỉ đói, đói hiểu biết, đói tình thương v.v…), của địa ngục, và của súc sanh. Súc sanh là những sinh vật (trong đó có con người) không biết từ là gì, bi là gì, không có trái tim thương yêu và hiểu biết.

Chúng ta biết rằng trong xã hội ngày nay có biết bao nhiêu thanh niên, bao nhiêu thiếu nữ đang ở trong địa ngục. Địa ngục của ma túy, của sự cô đơn, của sự tuyệt vọng, nhiều lắm, nhiều nhiều lắm! Có những người sống không phải như những con người, mà như những loài thú vật ở trong thế giới riêng của họ. Có những người tạo ra địa ngục chung quanh họ, có những người giết chóc, những người cướp giật, những người hiếp dâm. Có biết bao nhiêu là quỉ đói đang đi lang thang. Đói tình thương, đói hiểu biết, đói gia đình, đói lý tưởng!

Chúng ta cầu nguyện để không bị sa vào ba con đường dữ đó. Sự cầu nguyện của mình có thể rất là cụ thể khi mình chấp nhận một hướng đi, khi mình quay về nương tựa tăng, khi mình thực tập con đường do Chúa Ki-tô vạch ra, do Bụt Thích Ca chỉ dạy. Nhờ đó mà mình không bao giờ sa ngã trước sự cám dỗ, không bao giờ sa vào ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỉ, và súc sanh.

Như vậy thì người Phật tử cũng không thấy có khó khăn nào khi cầu nguyện theo chiều hướng của bài Lạy Cha của Ki-tô giáo. Chỉ có điều là người Phật tử hiểu rằng danh từ Cha ở đây là để chỉ cho cái Bản môn, cái Nhất tâm, cái Phật tánh.

 

 

Tiến trình của y khoa

Ba mục đích thông thường của sự cầu nguyện mà chúng ta đã nói đến trên đây, trước hết là sức khỏe; thứ hai là sự thành công, sự hanh thông hoặc sự phồn thịnh; và thứ ba là cái liên hệ giữa người với người.

Chúng ta thường cầu cho cái liên hệ giữa ta và người ta thương được tốt đẹp hơn, để ta có thể nói chuyện với người đó, để ta có thể có hạnh phúc với người đó, và quan trọng hơn hết là để cả ta lẫn người đó không vì phiền não mà sinh bệnh hoạn.

 

Y Khoa Cơ Giới

Đứng về phương diện sức khỏe, Y khoa đã đi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trước hết, chúng ta đã từng có một quan niệm hơi máy móc về y học. Chúng ta nói rằng khi có bệnh thì đó là vì âm dương ở trong cơ thể của ta không dược điều hòa. Vì vậy cho nên nếu thiết lập được âm dương điều hòa trong cơ thể, thì đương nhiên chúng ta có sức khỏe. Cái ý niệm đó không sai, nhưng chưa hoàn toàn đúng. Tại vì trong cái ý niệm đó chúng ta chưa thấy sự liên hệ của tâm đối với thân. Quan niệm đó gọi là quan niệm Y khoa Cơ giới. La médicine mécanique – Mechanical medicine.

Chúng ta cứ nghĩ rằng chỉ cần sửa chữa những gì trong phạm vi của thân thể là chúng ta có thể đem lại sức khỏe. Chúng ta không chú trọng nhiều tới cái khía cạnh tâm lý. Y khoa Cơ giới chỉ nhìn bệnh ở nơi thân mà thôi.

Danh từ của đạo Bụt gọi thân là sắc, sắc thân, tiếng Phạn là Rūpa, tiếng Anh là Form. Tuy vậy trong bốn năm mươi năm qua, Y khoa đã tiến bộ rất nhiều. Y khoa đã thấy rằng sức khỏe của thân thể rất tùy thuộc vào sức khỏe tâm thần của chúng ta. Có nhiều triệu chứng đau nhức và khó chịu trong thân đã phát hiện từ cái tâm của chúng. Nếu chúng ta biết thực tập, biết giải quyết những vấn đề khó khăn, biết khai thông những bế tắc của tâm thì những cái đau nhức đó của thân tự nhiên biến mất. Đôi khi chúng ta có bệnh ngoài da rất nặng, chữa thế nào cũng không bớt, và chúng ta không biết rằng đó là do sự lo lắng, do sự buồn khổ mà ra. Đôi khi bao tử của chúng ta thường rất đau đớn, chúng ta đã uống thử đủ thứ thuốc nhưng không bớt. Chúng ta không biết rằng đó cũng là do sự lo lắng mà ra. Chúng ta có những ung thư, có những ung nhọt, sức khỏe của chúng ta đang xuống dốc, chúng ta cứ tưởng là tại chúng ta thiếu sinh tố, thiếu cái này, thiếu cái khác. Kỳ thực những triệu chứng đó có thể phát hiện từ những cái bế tắc, những điều lo lắng, những nỗi khổ đau ở trong tâm của ta.

 

Y khoa Thân tâm

Ngày nay chúng ta đã có một quan niệm về y khoa rộng rãi hơn, gọi là Y khoa Thân tâm, thân và tâm là một hay thân tâm nhất như. Tiếng Pháp có thể dịch là La médicine Psychosomatique. Psycho là danh, Somatique là sắc. Chữ danh ở trong đạo Bụt (Nāma), có nghĩa là tâm. Danh sắc có nghĩa là tâm thân. Hai cái đi đôi với nhau, không tách rời nhau được. Con người là một hợp thể của thân tâm, mà danh từ chuyên môn gọi là một hợp thể danh sắc (Nāma-Rūpa).

Khi Y khoa tiến tới chỗ thân tâm nhất như, là Y khoa đã công nhận rằng yếu tố danh có ảnh hưởng tới yếu tố sắc, và yếu tố sắc có ảnh hưởng đến yếu tố danh. Nếu mình lo lắng quá thì mình có thể đau bao tử. Nếu mình đau bao tử thì mình trở nên bi quan, hai cái có ảnh hưởng lẫn nhau.Cho nên một bác sĩ thông minh là một bác sĩ biết nhìn cả hai mặt của con người để chữa trị. Anh chàng bị bệnh ngoài da mà chữa hoài không lành đó, nếu mình bày cho anh ta cách đi thiền hành, bày cho phương pháp buông thư, thì có thể anh sẽ hết bệnh mà khỏi phải uống thuốc hay bôi thuốc gì cả.

Ngành Y khoa gọi là Mechanical medicine đã được thay thế bằng Psychosomatique medicine trong vòng 40 năm nay. Một bước tiến rất lớn của nền y học.

 

Y khoa Cộng nghiệp

Ngày nay, chúng ta đang ở ngưỡng cửa giai đoạn thứ ba của Y khoa. Chúng ta đã tìm thấy rằng có những yếu tố chữa trị ngoài sắc, và ngoài danh, tức là ngoài cả thân lẫn tâm! Bệnh tật của chúng ta có thể tới từ một nguyên do không phải từ tâm hay từ thân của chúng ta. Ảnh hưởng đó có thể đến từ một đối tượng rất xa ta, trong không gian cũng như trong thời gian.

Tới từ trong không gian, ví dụ người thương của chúng ta ở quê nhà không có hạnh phúc, thì ở đây chúng ta bệnh! Hoặc là người ta thử bom nguyên tử ở Đại Dương Châu, thì bên này chúng ta cũng có thể vì ảnh hưởng của việc thử bom đó mà bị bệnh.

Ảnh hưởng đó cũng có thể tới từ trong thời gian. Ví dụ hôm nay chúng ta bệnh, thì có thể là 20 đời về trước, tổ tiên của chúng ta đã làm một điều không lành! Hoàn cảnh thời gian và không gian có ảnh hưởng tới ta như vậy đó, rất lạ lùng, rất dễ sợ!

Giai đoạn y khoa thứ ba này, mình tạm đặt tên là Y khoa Cộng biểu, Collective manifestation, hay Cộng nghiệp, Collective Karma, hoặc là Cộng thức, tức là Tâm thức cộng đồng, Collectie conciousness.

Vì tâm thức cộng đồng bệnh cho nên chúng ta bệnh theo. Mà tâm thức cộng đồng của xã hội ngày hôm nay đang bệnh lắm! Vì vậy mà chúng ta phải biết bảo vệ chúng ta, phải biết phòng hộ và chuyển hóa cho mình. Muốn vậy, chúng ta phải tạo ra một tăng thân, tạo ra một tâm thức cộng đồng để bảo vệ cho chúng ta. Ở trong thành phố, chỉ cần nhìn, chỉ cần nghe, chỉ cần tiếp xúc với một số người là chúng ta bệnh. Nhưng về tu viện, chúng ta đóng cánh cửa đó lại, chúng ta mở ra những cánh cửa tâm linh của tăng thân, thì chúng ta hết bệnh. Những nguyên do của bệnh hoạn nằm ở trong tâm, trong thân, và chúng còn nằm ở trong một môi trường lớn lao hơn, đó là môi trường của Tâm thức Cộng đồng.

Ví dụ ở ngoài đời có nhiều người nghĩ rằng khi mình không có khả năng đậu được một bằng cấp gọi là Tiến sĩ, hay tốt nghiệp một chương trình gọi là kỹ sư; hoặc khi mình không có một công ăn việc làm đàng hoàng; hay khi mình không có một chiếc xe hơi, thì mình không phải là một con người bình thường có giá! Mình được mô tả như là một con người không có khả năng. Cái giá trị của con người được đánh giá ở chỗ mình có một cái bằng cấp, mình có một công ăn việc làm, và mình có một chiếc xe hơi! Những suy nghĩ đó tạo thành một tâm thức cộng đồng.

Khi mình không có những thứ đó thì chính mình cũng đánh giá mình rất thấp, mình cho mình không phải là người bình thường. Trong khi đó, thật sự ai là người bình thường? Ai là người có hạnh phúc? Đó mới chính là câu hỏi.

Biết bao nhiêu người có bằng cấp, biết bao nhiêu người có công việc làm ăn, biết bao nhiêu người có xe hơi nhưng họ vẫn đau khổ. Lắm lúc họ nghĩ là họ đang sống một cuộc đời không đáng sống! Trong khi đó thì có rất nhiều người không cần bằng cấp đó, không cần công việc kia, không cần chiếc xe hơi nọ, mà vẫn sống rất hạnh phúc, và họ gây được hạnh phúc cho rất nhiều người.

Nếu mình cứ để cho cái tâm và cái thân của mình bị ảnh hưởng bởi cái tư duy của cộng đồng kia, bởi những niềm tin kia, bởi cái quan niệm kia thì mình sẽ trách mình, mình nói mình là người bất lực, không có khả năng! Sự sầu khổ, sự thất vọng đó sẽ làm cho mình bị bệnh.

Trong khi đó thì người tu biết đường đi của họ. Họ biết rằng hạnh phúc của họ không tùy thuộc vào bằng cấp ấy, vào công ăn việc làm ấy, vào chiếc xe hơi ấy, như vậy mà họ có sức khỏe, họ rất thảnh thơi.

Cho nên chúng ta có thể dịch Y Khoa cộng nghiệp hay Y khoa cộng đồng là La médicine de la manifestation collective, và tiếng Anh là Collective manifestation medicine. Mình sẽ tìm một danh từ khác hay hơn, nhưng ở đây mình tạm dùng các danh từ này. Mình cũng có thể dùng danh từ Y khoa Nhất tâm, The medicine of one mind. Nhất tâm là tâm thức cộng đồng, trong đó có tâm thức của các vị Bồ tát, của chư Bụt, và của chúng ta.

Trong nhất tâm có phần chân tâm và phần vọng tâm. Một điều gì xảy ra trong không gian và trong thời gian đều có ảnh hưởng tới cái nhất tâm này cả. Phải thấy như vậy thì chúng ta mới hiểu được giai đoạn thứ ba này của y khoa.

Những cái xảy ra có thể rất xa trong không gian, cũng như trong thời gian. Ngày xưa khi nhà khoa học Kepler[3] khám phá ra rằng trái đất bị ảnh hưởng của mặt trăng, ông tìm thấy rằng thủy triều ở trên mặt đất là do sức hút và sự vận chuyển của mặt trăng tạo ra. Lúc đó không ai chịu nghe ông, tại vì hai tinh cầu ở xa nhau quá, và có dính líu gì nhau đâu mà nói trái đất bị ảnh hưởng của mặt trăng? Cho nên khi Galileo[4] nghe Kepler nói vậy thì cho rằng anh chàng này còn trẻ quá, chỉ biết nói chơi! Ngày nay thì ai cũng biết rằng thủy triều trên trái đất là hoàn toàn do sức hút và sự vận chuyển của mặt trăng tạo ra.

Sức khỏe của chúng ta cũng vậy. Đừng nói những người ở gần ta, có những người ở xa ta ngàn dặm, mà cũng góp sức làm ra sức khỏe của chúng ta! Những gì đã xảy ra, những gì người đó làm, người đó suy nghĩ, đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Vì vậy cho nên trong giai đoạn Y khoa Cộng nghiệp này, bác sĩ phải biết cầu nguyện cho bệnh nhân. Tại vì cái năng lượng của bác sĩ, cái chánh niệm của bác sĩ và cái tình thương của bác sĩ, có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân.

Bác sĩ không còn có thể làm việc với tư cách của một cái máy nữa. Ví dụ như: “Cởi áo ra; thở vào đi; thở ra đi; há miệng ra và lè lưỡi ra cho tôi xem, nói “à” đi”. Khám xong thì “Đây là toa thuốc, mua và về uống đi v.v…” Bác sĩ không còn có thể chỉ làm những điều đó. Trong giai đoạn thời nay, bác sĩ phải làm khác đi. Bác sĩ phải biết nói: Tôi sẽ cầu nguyện cho anh, tôi sẽ cầu nguyện cho chị, chúng ta ngồi đây, chúng ta thở đi, chúng ta dừng cái tâm của chúng ta lại cho nó an tịnh. Thế nào sức khỏe của anh, của chị cũng sẽ tăng tiến, bệnh tật của anh, của chị cũng sẽ thuyên giảm.

Một vị bác sĩ của thời đại này, trước khi đến phòng mạch, phải ngồi thiền, phải thực tập hơi thở vào, ra. Sau khi khám xong, đã cho toa rồi, về nhà, bác sĩ phải cầu nguyện cho các bệnh nhân của mình.

Nếu mình không phải là người bệnh, mà là anh của người bệnh, chị của người bệnh, mẹ của người bệnh, thì mình cũng phải làm như người bác sĩ kia. Mình không thể nói rằng em của mình đau, mình đưa nó đến bác sĩ là mình đã làm tròn nhiệm vụ. Trong cái thấy thứ ba này về y khoa, mình chịu trách nhiệm về sức khỏe của người mình thương. Mình sống cho thoải mái, mình sống cho chánh niệm, trong tâm mình phải có năng lượng của thương yêu, của cầu nguyện, thì cái sức khỏe của người mình thương mới có thể phục hồi được.

Trước đây tôi có nhắc đến bài viết của bác sĩ Larry Dossey. Ông còn nói rằng trong thời đại này, chúng ta phải mở cửa cho nền y khoa thứ ba đó. Ông nghĩ một ông bác sĩ mà không cho phép người ta cầu nguyện cho bệnh của mình, thì bác sĩ đó có thể bị đưa ra tòa. Tại vì cầu nguyện, tĩnh tâm, sống an lạc, thì có thể tạo được nguồn năng lượng để chữa trị cho người bệnh. Vì vậy nếu cấm không cho cầu nguyện là có thể phạm vào pháp luật. Thành ra các nhà làm luật phải đưa điều này vào bộ luật mới. Nói như vậy có nghĩa là khi chữa bệnh, bác sĩ không chỉ chữa trị bằng cái kiến thức về y khoa của mình, mà còn phải chữa bằng trái tim của mình, bằng sự cầu nguyện của mình nữa.

Là một tăng thân, chúng ta biết rằng cái chánh niệm, cái an lạc và cái thảnh thơi của chúng ta rất có liên hệ đến bệnh tình của người thương của chúng ta. Cho nên trong những buổi ngồi thiền, tăng thân phải phóng từ quán và bi quán về cho những người thân của mình. Tại vì khi mình chế tác được năng lượng của từ và bi trong tâm mình, thì năng lượng ấy trước hết chữa trị cho mình. Kế đến, năng lượng đó mới chữa trị cho người mình thương.

Cái năng lượng đó nằm ở trong tâm thức cộng đồng, cho nên nó không cần phải đi từ điểm này đến điểm khác ở trong không gian như chúng ta thường nghĩ. Dù sư chị Đàm Nguyện đang ở Hà-nội, nhưng cái giây phút mà tôi ngồi thiền để phóng từ quán về cho sư chị, thì sư chị nhận được liền lập tức. Cũng như thiền sinh Jim Foster, mấy ngày hôm nay trong các thời thiền, tôi đều có phóng cái năng lượng của từ quán và bi quán cho anh ta, cũng như cho thân phụ của thầy Sariputra, và cho thầy Thiện Trì. Tôi tin chắc ít nhiều gì cũng có kết quả. Có thể là nó ít hơn mình mong đợi, nhưng chắc chắn là có.

Thành ra khi các thân hữu và đệ tử của tôi cầu nguyện cho tôi, chắc chắn là tôi có nhận được, và khi mà tôi cầu nguyện cho họ thì họ cũng nhận thêm được năng lượng. Tại vì mình biết nhau, mình thương nhau cho nên rất dễ cho mình chế tác ra năng lượng của từ bi và của thương yêu từ trái tim của mình.

Cái mà bác sĩ Larry Dossey gọi là vệ tinh viễn thông hay Thượng đế, là cái Nhất tâm. Trong cái Nhất tâm đó, có những khối năng lượng rất lớn. Nếu chúng ta dùng cái năng lượng của từ quán và bi quán của chúng ta mà xúc chạm cái năng lượng của Nhất tâm đó, thì chúng ta có thể chuyển hóa, có thể thay đổi được tình trạng của chúng ta.

Như vậy trong lịch sử Y học, giai đoạn đầu của y khoa là Y khoa Cơ giới. Giai đoạn thứ hai là Y khoa Thân tâm Nhất như, và giai đoạn hiện tại mà y khoa đang vươn tới là Y khoa Nhất tâm. Y khoa Thân tâm Nhất như, danh từ đạo Bụt còn gọi là Y khoa Danh Sắc.

Chúng ta biết rằng trong giáo lý 12 nhân duyên, ta học rằng từ thức mà phát hiện danh sắc; danh sắc là một giai đoạn của sự phát hiện của cộng biểu, của sự phát hiện cộng đồng. Thức đây là Tàng Thức, là A-lại-gia. Danh là tâm của ta, và sắc là thân của ta. Từ danh sắc sẽ phát hiện ra lục nhập. Lục nhập tức là sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì danh sắc có thể bị xao xuyến, bị rung động, bị vướng mắc, bị bệnh. Cho nên phải tu học để cho lục nhập đừng là cái nguồn gốc của bệnh tật. Sự thực tập của chúng ta ở Làng Mai là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, thì chúng ta đem ý thức tinh chuyên để phòng hộ, tức là ta phải phòng hộ sáu căn để đừng lâm bệnh.

Nhưng danh sắc từ đâu mà có? Danh sắc từ thức. Thức đây là tâm thức cộng đồng, còn danh đây là tâm thức cá nhân, tuy nó vẫn chuyên chở trong nó tâm thức cộng đồng. Thức là từ A-lại-gia thức (ālayavijñāna – Store consciousness) phát hiện ra. Con người chúng ta gồm có tâm và thân. Cái sức khỏe của thân-tâm này, một phần do lục nhập tạo ra, một phần do thức tạo ra.

Vì vậy mà y khoa ngày nay phải đi tìm nguồn gốc của bệnh tật ở trong A-lại-gia thức, tức là ở trong cái tâm thức cộng đồng. Bác sĩ học sáu năm ở trường Y khoa không đủ, tại vì tại trường Đại học Y khoa người ta không dạy phép chẩn bệnh bằng cách đi thám hiểm trong vùng tàng thức. Tuy rằng các bác sĩ tâm lý có được dạy về phương pháp chẩn bệnh trong vùng vô thức, nhưng vùng vô thức chỉ là một phần nhỏ của A-lại-gia thức mà thôi.

Sống trong một môi trường bệnh hoạn, bị ảnh hưởng cách suy tư, nói năng, và hành động tiêu cực của môi trường ấy, sớm muộn gì ta cũng ngã bệnh. Trong môi trường này, thiên hạ đi tìm thỏa mãn những dục vọng, gây ra khổ đau, tuyệt vọng và chán chường, tàn hại thân tâm, bít lấp tương lai. Muốn hết bệnh, ta phải cương quyết ly khai môi trường ấy, tìm tới một môi trường lành mạnh, thực tập sống một cuộc sống lành mạnh, nương theo ba quy và năm giới, có sự bảo hộ ngày đêm của Bụt, các vị Bồ tát, và một tăng thân đang đi trên đường hướng thiện thì ta mới được bảo hộ, và mới có cơ hội trị liệu. Vị y sĩ của nền Y khoa Nhất Tâm phải biết hướng dẫn bệnh nhân của mình đi trên con đường này.

A-lại-gia thức là tâm thức cộng đồng. A-lại-gia thức phát hiện ra sông, ra núi, ra hồ, ra ao, ra không khí, ra nước, ra con chim, con cá. A-lại-gia làm phát hiện ra y báo. Y báo tốt đẹp hay xấu xa cũng do ta biết ly khai con đường xấu ác để hội nhập vào một môi trường lành mạnh. Quí vị đã học Duy biểu thì biết điều này.

Rất nhiều bệnh tật của thân và của tâm chúng ta, phát sinh từ cái tâm thức cộng đồng. Sự trị liệu cho thân tâm chúng ta tùy thuộc một phần lớn ở tình trạng của tâm thức cộng đồng đó, cho nên nếu người thương của chúng ta, nếu bác sĩ của chúng ta, nếu tăng thân của chúng ta biết cách tạo dựng, chế tác năng lượng của tình thương yêu, của cầu nguyện để chiếu về ta, bao bọc lấy ta, thì ta sẽ lành bệnh. Những viên thuốc, những chai thuốc mua ở nhà thuốc không đủ sức trị liệu chứng bệnh của chúng ta. Những phương pháp luyện tập mà bác sĩ dạy cho chúng ta, cũng vẫn còn không đủ thiếu gì trong việc trị liệu. Bác sĩ phải tìm tới tâm thức cộng đồng và giúp ta đi vào một tâm thức cộng đồng lành mạnh thì sự chữa trị mới thêm phần hiệu lực.

Sự cầu nguyện, sự hộ niệm cho người bệnh như trong đạo Bụt thường làm, là rất quan trọng cho sự chữa trị bệnh tật.

Trong đạo Bụt, chúng ta rất tin ở năng lượng cầu nguyện mà chúng ta gọi là hộ niệm. Tin nhưng chúng ta không mê tín, vì chúng ta biết rằng sự cầu nguyện này, sự hộ niệm này nó căn cứ trên những sự thật rất khoa học, đó là: Khi tăng thân ngồi lại với nhau và chế tác ra cái năng lượng của sự hộ niệm, thì chắc chắn năng lượng ấy sẽ có ảnh hưởng rất lớn, có thể chuyển đổi được tình trạng người thương của chúng ta.

Chúng ta còn biết thêm rằng thức này cũng có thể được nuôi dưỡng, được tạo tác bởi cái vô minh, tiếng Anh gọi là Ignorance. Cái ignorance càng nhiều chừng nào thì chúng ta càng có nhiều nguyên do của bệnh chừng đó. Sự tu tập mỗi ngày của ta, của bạn ta, và của xã hội ta tạo ra cái minh, nhờ đó mà cái vô minh được chuyển hóa và vắng mặt dần dần. Khi cái minh được tạo ra thì ta có từ, có bi. Minh đây có nghĩa là hiểu biết, từ và bi đây là có nghĩa là thương yêu. Mà có nhiều hiểu biết hơn, có nhiều thương yêu trong tâm thức cộng đồng, thì tình trạng sức khỏe của cá nhân sẽ khá hơn. Ta sẽ ít cần đi bác sĩ hơn!

 


[1] Nghiệp có nghĩa là hành động. Ba chướng nghiệp là ba hành động bất thiện và cố ý của thân, khẩu, và ý. Chính chúng sẽ tác động sự tái sinh, tạo nên sự luân hồi của người gây nghiệp.
[2] Là sự tham ái đối tượng thuộc về năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân) và sự thỏa mãn nơi các đối tượng đó: Sắc, thanh, hương, vị, và xúc.
[3] Johann Kepler, Thiên văn và Toán học gia người Đức (1571-1630)
[4] Galileo Galilei, nhà Vật lý, Toán học và Thiên văn học người Ý (1564-1642), phát minh ra Viễn vọng kính Thiên văn đầu tiên (1609) để quan sát vũ trụ.

theo LàngMai.org

Comments