Trong truyền thống đạo Bụt Việt Nam, chúng ta thường tổ chức khóa kết hạ và kết đông cho giới xuất gia và những khóa bát quan trai cho giới tại gia. Những khóa kết hạ và kết đông dài 90 ngày, nhưng những khóa tu bát quan trai giới cho người tại gia chỉ kéo dài 24 giờ đồng hồ. Cũng có khóa kéo dài tới 48 giờ (hai ngày) hoặc 72 giờ (ba ngày).
Truyền thống ta lại có những kỳ nhập thất cá nhân, thường là cho người xuất gia: những kỳ nhập thất này có thể là một tuần lễ, ba tháng, một năm hoặc ba năm. Thất hoặc cốc là một cái am nhỏ dựng trong khuôn viên tu việc hoặc trên đồi núi riêng biệt. Trong thất có thể có bếp núc để nấu cơm và nấu nước. Một vị thị giả được chỉ định để giúp đỡ người nhập thất bằng cách cung cấp nước, gạo, v.v….Có khi người nhập thất tịnh khẩu, tức là ngưng hẳn sự nói năng. Chỉ khi cần thiết lắm vị này mới viết ý mình xuống trên một mảnh giấy nhỏ. Một vị thị giả thông minh thường ước lượng được những nhu cầu của người nhập thất.
Những khóa tu nói tới trong chương này có thể tổ chức cho giới xuất gia hoặc tại gia ngoài những khóa kết hạ, kết đông hay bát quan trai. Những khóa tu này có thể kéo dài 24 giờ (như một ngày tu bát quan trai) hoặc vào cuối tuần (48 giờ, từ chiều thứ sáu đến chiều Chủ Nhật), hoặc ba ngày, bốn ngày, năm ngày cho đến một tuần, bốn ngày là một thời gian rất tốt để cho người tham dự khóa tu nếm được pháp lạc. Trong những khóa tu mà tôi hướng dẫn cho người Âu Mỹ, thường thường trong ngày thứ nhất mọi người có cảm thấy hơi gò bó, nhưng sang ngày thứ hai đã thấy thoải mái. Đến ngày thứ ba thì mọi người đã thấy an lạc. Vào ngày thứ tư ai cũng cảm thấy rất an lạc. Vào ngày thứ tư người ta thường hỏi: Chừng nào thì sẽ có một khóa tu khác để tôi có thể ghi tên tham dự? Người tại gia thường bị kẹt vào sở làm, nên ít người có thể dự những khóa tu dài hơn bốn ngày. Tuy nhiên ở Tây Phương thợ thuyền công và tư chức mỗi năm đều được nghỉ một tháng, và ngoài ra còn có những ngày nghỉ lễ hằng năm có thể kéo dài tới ba hoặc bốn ngày. Vì vậy ngoài những khóa tu hai ngày vào cuối tuần, họ còn có cơ hội tham dự những khóa ba ngày hoặc nhiều hơn, nếu họ có thể sắp đặt trước. Thiếu nhi có thể tham dự vào những khóa tu này, trừ các em còn bé quá. Trong những khóa tu tổ chức tại Âu Châu và Mỹ Châu trong những năm vừa qua, tôi nhận thấy thiếu nhi rất có khả năng học Phật và tập Thiền. Các em ngồi rất đẹp, đi thiền hành rất giỏi, và ngồi thiền trà rất trang nghiêm. Điều quan trọng nhất là các em biết thưởng thức khí vị thiền. Trẻ em ta cũng vậy mà trẻ em Âu Mỹ cũng vậy.
Khóa tu được tổ chức không phải để giúp ta quên đời sống bận rộn hàng ngày mà là để giúp ta trở về đời sống hằng ngày với nhãn quan mới và một phương thức đối phó mới khiến cho đời sống hàng ngày trở nên dễ chịu hơn và đẹp đẽ hơn. Điều này rất quan trọng. Ta có thể theo một ngày tu Bát Quan Trai, thức dậy từ lúc bốn giờ sáng và khép vòng 24 giờ đồng hồ, nhưng sau đó về nhà ta thấy mệt nhọc và phải ngủ nhiều cho lại sức. Khóa tu không nên tổ chức nặng quá về phương diện thời khóa: người tham dự phải có đủ thì giờ để nghỉ ngơi. Mọi người phải được ngủ tám giờ một đêm. Trẻ em đã vậy mà người lớn cũng vậy. Người lớn nào muốn ngủ ít hơn thì có thể dậy sớm hơn một giờ để thiền tọa hoặc thiền hành riêng. Buổi trưa sau giờ cơm mọi người nên ngả lưng một lát để chiều có thể tham dự tỉnh táo mọi sinh hoạt thiền tập.
Người tham dự phải ghi tên trước, và nên đóng góp trước vào chi phí ăn uống, điện nước, v.v… cho khóa tu. Số tham dự khóa tu không nên vượt quá 60 người. Ban tổ chức phải là những người từng có tu học và tham dự những khóa tu trước. Nên khuyến khích trẻ em tham dự khóa tu, nhất là các em mười tuổi trở đi. Trong số những người tham dự nên có những người biết gần gũi và hướng dẫn thiếu nhi. Một khóa tu có thiếu nhi tham dự nên có ít nhất một giờ văn nghệ sau buổi cơm chiều.
Địa điểm tu học phải là nơi có thiền đường, đủ chỗ thì thiền đường có thể được sử dụng làm phòng học và nơi tổ chức thiền trà. Vì người tham dự thiền trà không nên vượt quá con số 20 cho nên nếu khóa tu có bốn chục người thì phải tổ chức thiền trà thành hai nơi, và do đó phải có tới hai nơi để tổ chức thiền trà. Phòng tắm, phòng rửa mặt và cầu tiêu phải tạm đủ cho mọi người sử dụng, nhất là buổi sáng khi mới thức dậy. Chuông tỉnh thức phải được treo một nời mà mọi người có thể nghe tiếng. Ban tổ chức có thể cung cấp gối ngồi thiền hay dặn những người tham dự đem theo gối ngồi thiền của mình. Thiền sinh nên mang theo khăn tắm, mền, áo ấm, bàn chải đánh răng, nói tóm lại là những gì cần thiết cho mình trong khóa tu, những gì thật sự cần thiết mà thôi.
Giờ tập họp tại địa điểm tu học thường được định vào sáu hoặc bảy giờ chiều. Sau khi ghi tên ở văn phòng, thiền sinh được ban tổ chức chỉ dẫn về chỗ ngủ, phòng tắm và những tiện nghi khác ở địa điểm tu học.
Vào khoảng tám giờ, có buổi Hướng Dẫn về cách thức tu học ngay tại thiền đường. Thường thường người hướng dẫn là vị thiền sư chịu trách nhiệm về khóa tu. Buổi Hướng Dẫn được bắt đầu bằng lễ dâng hương và lạy Phật lạy Tổ. Dâng hương và đảnh lễ xong mọi người an tọa trên gối ngồi để nghe về cách thức tu học và kỷ luật tu học. Thiền sinh được hướng dẫn bằng cách nghe chuông, thỉnh chuông, điều chỉnh thế ngồi, điều chỉnh hơi thở, cách sử dụng các bài thi kệ chánh niệm, cách thức kinh hành, thiền hành, v.v…Một vị trì chung và các vị giám niệm được công cử. Các vị giám niệm có nhiệm vụ nhắc nhở đại chúng để duy trì chánh niệm trong suốt khóa tu. Một vị giám niệm được đặc biệt chỉ định cho nhà bếp, bởi vì ở đây sự nấu nướng phải được nhận thức như là một hình thái thiền tập. Thiền sinh cũng được mời phát biểu ý kiến, hoặc đề nghị những đề tài pháp thoại, hoặc đặt những câu hỏi liên hệ tới thiền tập, hoặc góp ý về mặt thời biểu và tổ chức. Buổi hướng dẫn có thể kéo dài tới hai tiếng đồng hồ, và vì vậy sẽ không có thì giờ cho buổi thiền tọa tối.
Mọi người chỉ có đủ thì giờ sắp xếp trước khi đi ngủ để sáng mai dậy sớm. Thời khóa có thể như sau:
6 giờ: thức dậy, rửa mặt và đi thiền hành cá nhân
6 giờ 45: thiền tọa, kinh hành, tụng Tâm Kinh Bát Nhã, v.v…( xem bảng thời khóa )
Thiền sinh được mời tham dự vào các loại công tác trong khóa tu: phụ bếp, quét dọn thiền đường, lau chùi phòng tắm và phòng vệ sinh, tổ chức thiền trà, hướng dẫn văn nghệ thiếu nhi,v.v…Tất cả những công tác này đều được làm trong chánh niệm: chấp tác là một hình thái thiền tập. Mỗi người phải thực tập chánh niệm và phải nhắc nhở kẻ khác thực tập chánh niệm bằng mọi cách, đẹp nhất là bằng sự hành trì của chính mình. Buổi sáng thức dậy biết mình đang ở trung tâm tu học, ta nên nhiếp tâm vào chánh niệm. Ta rửa mặt và dùng cầu tiêu trong chánh niệm, và sử dụng những bài thi kệ thích hợp để dễ hành trì. Rồi ta khoác thêm áo và đi ra ngoài để đi thiền hành một mình cho đến gần giờ thiền tọa.
Giờ thiền tọa kéo dài chừng một giờ đồng hồ, trong đó có từ 30 đến 40 phút ngồi và chừng 15 phút kình hành và trì tụng Tâm Kinh. Ta có thể xếp đặt như sau:
20 phút thiền tọa
10 phút kinh hành
20 phút thiền tọa
10 phút kinh hành
Tụng Tâm Kinh Bát Nhã
Trong những giờ thiền tọa chiều và tối, ta có thể bớt mục Tâm Kinh. Thiếu nhi được chỉ dẫn cặn kẽ về thể thức thiền tọa: em nào không ngồi được suốt buồi thì có thể ngồi từ mười phút hoặc hơn nữa. Khi không muồn ngồi nữa, em có thể thong thả đứng dậy, chắp tay xá thiền tổ, đại chúng và nhà nhẹ ra khỏi thiền đường. Tuy thể thức là như vậy nhưng đại đa số các em thường ngồi trọn buổi như người lớn.
Buổi ăn sáng và buổi ăn trưa được diễn ra trong im lặng. Bữa cơm có thể được tổ chức theo lối tự tiện (self-service), nhưng từ khi nâng chiếc bát không lên cho đến khi ăn xong bữa cơm, thiền sinh giữ gìn chánh niệm và biết sử dụng những bài kệ trong khi ăn. Các bữa cơm quá đường trong truyền thống kết hạ ở các thiền viện là một chuỗi dài nghi lễ: người ăn cơm mặc y hậu, xử dụng bình bát truyền thống, tụng bài cúng dường, thực tập lưu phạn, thí thực và hành trì ngũ quán. Bữa ăn trong khóa tu được đơn giản hóa hết mực về phương diện hình thức nhưng về phương diện hành trì chánh niệm trong nội dung thì cần phải được thực tập đúng mức. Trong phần phụ lục, ta sẽ thấy một bản chỉ dẫn về cách thực tạp một bữa cơm im lặng trong đó có một số các bài thi kệ cần học thuộc lòng.
Ăn sáng xong thiền sinh lặng lẽ đem bát của mình đi rửa và úp vào chạn. Những chậu nước rửa bát đã được đặt sẵn ở nơi thuận tiện.
Mỗi ngày có một giờ thiền hành tập thể vào chín giờ sáng. Nghe chuông mọi người tập họp tại đầu đường thiền hành để nghe chỉ dẫn. Thiền hành có thể kéo dài từ 45 phút đến 60 phút. Tới cuối đường thiền hành mọi người có thể ngồi nghỉ chân vài ba phút trước khi đi thiền hành trở lại về địa điểm khởi hành. Theo kinh nghiệm thì những em bé rất nhỏ cũng có thể tham dự thiền hành nếu có người nắm tay các em cùng đi.
Vào mười giờ sáng thì có pháp thoại. Pháp thoại là một buổi giảng nói về giáo lý của Bụt có liên hệ mật thiết và thực tiễn tới thiền tập. Phải tránh những buổi pháp thoại có tính cách quá lý thuyết.
Trong trường hợp người hướng dẫn khóa tu không quen nói Pháp thoại thì vị ấy có thể thuyết trình tóm lược về một chương sách hay nói về thiền tập rồi hướng dẫn đàm luận để làm cho sáng tỏ thêm những điều nói trong ấy dưới ánh sáng của kinh nghiệm thiền tập.
Cứ chừng mười phút thì vị trì chung thỉnh một tiếng chuông cảnh tỉnh. Nghe chuông, người nói và người nghe đều nhiếp niệm và theo dõi hơi thở. Người nói dù là thiền sư cũng giữ im lặng trong thời gian ba hơi thở.
Nếu có thiếu nhi tham dự, thì ít ra mười lăm phút đầu pháp thoại phải dành cho thiếu nhi. Pháp thoại phải thích hợp với tuổi các em và phải có liên hệ mật thiết đến đời sống hằng ngày của các em. Sau đó, các em sẽ được hướng dẫn ra sinh hoạt riêng. Những em nào muốn được tiếp tục nghe pháp thoại thì được phép ở lại. Trong sinh hoạt riêng của các em, người hướng dẫn tìm mọi cách, kể cả trò chơi và bài hát, để làm cho các em hiểu sâu hơn về những điều vừa nghe trong pháp thoại.
Thường thường Pháp thoại nói xong thì đã đến giờ ăn trưa, và như vậy trong thời gian Pháp thoại có những thiền sinh bận việc phụ bếp cho nên không được nghe Pháp thoại. Ta có thể áp dụng một trong hai giải pháp sau đây: giải pháp thứ nhất là thu thanh buổi pháp thoại cho những thiền sinh không được nghe, giải pháp thứ hai là đặt giờ pháp thoại vào giờ thiền hành và dời giờ thiền hành vào một giờ trước giờ thọ trai. Như vậy những người phụ trách bếp núc trước khi vào bếp có thể tham dự pháp thoại. Họ chỉ mất giờ thiền hành chung, và có thể tìm giờ khác để thực tập thiền hành.
Bữa cơm trưa cũng được diễn ra trong im lặng. Nếu có thiếu nhi tham dự, ta nên sắp đặt để một thiếu nhi đọc lời quán niệm trước bữa ăn. Nếu bữa ăn được dọn sẵn trên bàn, thì sau khi mọi người an tọa, thiếu nhi ấy sẽ đọc lời quán niệm sau khi một tiếng chuông được thỉnh lên. Lời quán niệm có thể như sau: " Trưa hôm nay được ăn cơm ngon với các cô chú và các bạn, con rất sung sướng biết rằng mình là người may mắn. Con nhớ tới những người lớn và trẻ em ngày hôm nay không được sống xum họp và không có cơm ăn như con". Một bài thi theo kiểu tự tiện (self-service), thì mọi người đều đứng quây quần với nhau chắp tay trước khi em bé quán niệm. Múc cơm và thức ăn xong, mỗi người lặng lẽ mang lên tìm chỗ ngồi, và có thể khởi sự vừa ăn vừa quán niệm, không cần bắt đầu một lần như trong trường hợp cơm đã dọn sẵn lên bàn.
Giữ im lặng trong bữa cơm không phải là để tạo nên một khung cảnh nghiêm khắc khổ hạnh mà trái lại là để tạo ra một khung cảnh vừa tươi vui vừa đậm đà. Có nhiều gia đình biết tắt máy truyền hình trong giờ ăn để có thể thưởng thức được món ăn và sự có mặt của những người thân bên mình. Cả ngày bị xa cách nhau, mọi người chỉ có dịp ngồi với nhau trong bữa cơm: nếu ta để cho máy truyền hình xen vào thì sự đầm ấm có thể tiêu tán đi mất. Bữa cơm im lặng cũng nhằm mục đích chú tâm tới thức ăn, chú tâm đến giờ phút hiện tại và chú tâm đến người ngồi bên. Vì vậy phải tắt nói năng đi, như ta tắt máy truyền hình vậy. Không nói năng, nhưng ta ngồi gần nhau, ta có ánh mắt, nụ cười và nhất là sự tỉnh thức. Những điều kiện ấy đưa ta gần lại với nhau hơn là những câu chuyện không ý thức. Muốn ăn một bữa cơm im lặng theo tinh thần thiền tập thì trước tiên, phải học thuộc các bài thi kệ; khi nâng chiếc bát lên ta đọc một bài, khi thức ăn đầy ta đọc một bài khác, khi ngồi xuống ta đọc một bài khác nữa, v.v…Làm sao để ta có thể thức tỉnh trong suốt bữa cơm, đó là ta thành công. Trong tiếng chuông để giúp cho đại chúng dễ an trú trong chánh niệm.
Sau khi rửa bát, ta nên tìm chỗ nghỉ ngơi, bởi vì sinh hoạt đã đầy cho cả buổi sáng. Nếu ta có thể ngả lưng và ngủ được chừng nửa giờ thì quý hóa nhất. Sinh hoạt kế tiếp sẽ diễn ra vào lúc ba giờ trưa, hoặc hai ba giờ rưỡi trưa, nếu là mùa Đông. Nếu không muốn ngủ, bạn có thể đi thiền hành hoặc thiền tọa một mình.
Sinh hoạt đầu của mỗi buổi chiều có thể là pháp đàm hay thiền trà. Đề tài pháp đàm thường là đề tài pháp thoại hồi sáng được đem ra thảo luận nhằm mục đích soi sáng công phu thiền tập. Người hướng dẫn có thể tóm tắt sơ lược trong năm phút cốt tủy của bài pháp thoại buổi sáng, và đề nghị vài câu hỏi căn bản để đại chúng thảo luận. Cần tránh những đàm luận không thiết thực. Trong suốt buổi pháp đàm, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông chánh niệm. Mọi người im lặng thở mỗi khi nghe chuông, và thầm hứa là sẽ nhiếp tâm khi nghe cũng như khi phát biểu. Những ý kiến hay và thiết thực có thể được ghi lại để bồi cho công phu tu học sau này.
Buổi thiền tọa chiều (5 giờ 30 chiều và 9 giờ 30 ) sau phần ngồi thiền chỉ có kinh hành mà không tụng Tâm Kinh Bát Nhã.
Trong buổi cơm chiều, thiền sinh có thể trao đổi vài ba câu chuyện nhưng vẫn giữ chánh niệm trong khi ăn. Nếu bạn thấy khó duy trì chánh niệm khi nói chuyện thì bạn cứ giữ im lặng. Vị trì chung và các vị giám niệm cần lưu tâm đến tình trạng chánh niệm trong bữa cơm này. Nói chuyện trong bữa ăn thì khó giữ chánh niệm hơn ăn cơm trong im lặng. Tuy vậy đây là dịp để thực tập: làm sao ta có thể duy trì chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, dù ngay trong hoàn cảnh nói chuyện.
Sau buổi ăn, là chương trình văn nghệ, đặc biệt chú trọng đến thiếu nhi. Thiếu nhi cần phải thấy nếp sống tu học là tươi vui và không cách biệt với đời sống hằng ngày. Người lớn cũng vậy. Ai cũng nên tham dự vào sinh hoạt này. Thiếu nhi được khuyến khích múa, hát, kể chuyện, ra câu đó, thổi sáo, đàn tranh v.v… Các vị giám niệm thỉnh thoảng lại nhắc nhở đại chúng duy trì chánh niệm trong niềm vui.
Sau giờ thiền tọa tối, mọi người đều đi ngủ. Tuyệt đối cấm không được thức khuya để chuyện trò. Như vậy ngày mai đại chúng mới đủ sức khỏe và sự tươi tắn để thành công trong thiền tập.
Trong phần Phụ lục ta sẽ thấy có một bản luật nghi dành cho thiền sinh tại các khóa thực tập và một bản những bài thi kệ tối thiểu cần học thuộc lòng để thực tập chánh niệm trong khóa tu.
Phép thực tập căn bản trong khóa tu là duy trì chánh niệm suốt ngày, khi ngồi thiền, khi kinh hành, thiền hành, thiền trà, chấp tác, ăn cơm, rửa bát… Chánh niệm đưa tới sự tỉnh thức và sự an lạc. Hơi thở ý thức là phương tiện mầu nhiệm để thực tập. Hơi thở ý thức là phương tiện mầu nhiệm để thực tập. Chỉ khi nào khả năng chánh niệm đã vững chãi, người hướng dẫn khóa tu mới đưa thiền sinh tới những phép chỉ quán khác: đối trị cảm thọ, quán chiếu nhân duyên, xem xét thoại đầu, v.v….Nhưng duy trì chánh niệm bao giờ cũng được xem là phép hành trì căn bản, không những cho người sơ cơ mà cả cho những người tu học lâu ngày.
theo LàngMai.org
Comments
Post a Comment