Milan Kundera, sinh năm 1929, là tác giả Pháp gốc Cộng hòa Czech. Ông định cư ở Pháp từ năm 1975 và trở thành công dân Pháp từ năm 1981. Các tác phẩm từng được xuất bản tại Việt Nam của ông gồm: Điệu Valse giã từ, Màn, Lễ hội của vô nghĩa, Những mối tình nực cười, Đời nhẹ khôn kham. Gần đây, sách quan trọng của ông - cuốn Sự bất tử - được tái bản.
Kundera từng cho biết: "Các tiểu thuyết viết trước đây quá lệ thuộc vào quy tắc thống nhất về hành động. Ý tôi muốn nói rằng cơ sở của chúng là một chuỗi thống nhất các hành vi và sự kiện theo luật nhân quả. Các tiểu thuyết đó giống cái ngõ hẹp mà người ta dùng roi lùa các nhân vật đi theo".
Bìa sách "Sự bất tử". |
Năm 1988, phim dựa trên tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham ra đời, do Philip Kaufman đạo diễn. Từ khi xem xong phim, Milan Kundera không chấp nhận để bất cứ tiểu thuyết nào của ông được dàn dựng trên màn ảnh. Theo ông, thời đại mới đang sục vào những gì được viết ra trước đây để chuyển thể thành phim, thành chương trình truyền hình, thành phim hoạt hình. Vì thế, bản chất trong tiểu thuyết chính là cái không thể nói bằng cách nào khác ngoài tiểu thuyết, khiến cho mọi sự phóng tác đều không thể được.
Năm 1990, ông xuất bản cuốn Sự bất tử và trung thành đến mức cực đoan với tuyên bố của chính mình - từ chối mọi mối nối kịch tính có thể dẫn câu chuyện của ông đến với những khuôn mẫu có sẵn, viết để không ai chuyển thể sách thành một dạng tồn tại nào khác, ngoài tiểu thuyết. Không chỉ viết một cuốn tiểu thuyết đề cập đến chuyện viết tiểu thuyết, Milan Kundera dường như muốn tiến vào ngôi đền của sự bất tử, bằng lối viết chưa tồn tại bao giờ trước đó.
Cuốn Sự bất tử đơn giản về cốt truyện nhưng là thách thức nếu người đọc tìm đến nó với mong mỏi có một câu chuyện giật gân. Kundera không dẫn người đọc đến một sự hợp lý nào (logic) trong hệ thống nhân vật và các hành động của họ. Những nhân vật không đấu tranh với ai ngoại trừ sự tồn tại của chính họ.
Kundera chọn phần một - Khuôn mặt - là phần hư cấu, bắt đầu với cuộc đời nhân vật Agnes - một phụ nữ ngoài sáu mươi tuổi ông nhìn thấy ở hồ bơi. Những nhân vật tiếp theo ra đời dựa trên Agnes: em gái Laura, chồng Paul, con gái Brigitte, bố và mẹ. Bởi Agnes là nhân vật hư cấu, bố mẹ của cô ấy được sinh ra sau.
Ở phần hai - Sự bất tử, Kundera viết về đại thi hào Goethe - một nhân vật không hư cấu. Goethe xuất hiện trên trang viết như một khách mời với lý lịch trích ngang. Nhưng cũng vì "mời" Goethe tham gia vào một cuốn tiểu thuyết chứ không phải tiểu sử, Kundera tạo ra cho những sự kiện có thật trong đời Goethe (hoặc được ai đó trong lịch sử ghi lại là đã xảy ra trong đời đại thi hào Đức). Không chỉ với Goethe, ở phần sau, Kundera tiếp tục mời gọi những tên tuổi huyền thoại khác. Những nhân vật huyền thoại ấy đều hiện lên như những con người, không có lớp màng huyền thoại bao quanh, mọi động cơ (hư cấu) đều đến từ tình cảm và nhận thức cá nhân của họ.
Kundera định nghĩa: "Sự bất tử đến sau cái chết, tất nhiên không có quan niệm gì chung với tôn giáo về sự bất tử của linh hồn. Đây là nói về sự bất tử loại khác, sự bất tử hoàn toàn mang tính chất trần thế của những người còn được hậu thế ghi nhớ". Những con người bất tử đã tiến vào Ngôi Đền Vinh Quang - ngôi đền của những ai không mảy may bận tâm về khuôn mẫu lớn mà biết đi theo con đường riêng của mình.
Ở cõi hư vô, bên cạnh thiên tài thi ca được hậu thế ngưỡng vọng, Goethe đối diện với phiên tòa vĩnh hằng xét xử mình (cũng do hậu thế mở ra). Goethe và những thiên tài bất tử khác, như Hemingway chẳng hạn, phải đối diện với một thực tế lố bịch: Khi họ trở nên bất tử, người ta thích đọc về họ, chuyện thật lẫn chuyện bịa, chuyện bịa coi là chuyện thật, hơn là đọc những gì của họ viết ra.
Ngược lại với Goethe, nhân vật Agnes trốn chạy sự bất tử. Agnes, cũng như cha bà, chủ động xóa mọi dấu vết tồn tại của bản thân trên cõi đời này. Hình ảnh duy nhất còn lại của Agnes là bó hoa lưu ly trong cánh tay giơ lên - như một cử chỉ duyên dáng vĩnh cửu.
Nguyễn Thanh Vy
theo VNExpress
Comments
Post a Comment