Phần 02: Cô đơn

 

Em muốn nói chuyện với tôi, bởi vì trong thâm tâm, em chưa mất hẳn niềm tin nơi tất cả chúng tôi. Và tôi muốn nói chuyện với em, bởi vì có lẽ tôi là một trong những người chưa chịu đầu hàng cuộc đời. Thực ra, những người đầu hàng cuộc đời không hẳn đã phải là những người lớn. Trong lứa tuổi các em, cũng đã có rất nhiều người đầu hàng cuộc đời rồi. Hãy để cho họ tạm yên, bởi vì họ đang cần được yên. Dù sao họ cũng đáng thương như chúng ta. Em có thể gọi họ là những người chết, nếu em muốn. Hoặc em có thể nói  như Albert Camus rằng họ sống như những người chết, điều đó cũng không sao. Cái gì đã khiến cho chúng ta ngồi lại bên nhau để nói chuyện cùng nhau, nếu không phải là ý thức về thực trạng của chúng ta ? Hãy tự hào là những người tỉnh táo. Hãy tự hào là những người không bị chìm đắm trong cảnh túy sinh mộng tử. Hãy có thái độ nổi loạn đối với guồng máy đang muốn lôi kéo tất cả chúng ta vào cảnh túy sinh mộng tử. Điều thiết yếu là ta phải biết nổi loạn bằng cách nào. Bởi vì có những cách nổi loạn chỉ gây thêm chìm đắm. Và có những cách nổi loạn khác có thể đưa tới sự giải phóng con người. Tôi muốn được đàm luận với em về những điều ấy. Và đàm luận một cách thẳng thắn, can đảm.

Có lẽ điều bi thảm nhất đối với những con người trẻ tuổi hôm nay là càng chống đối và ghét bỏ những hình thái sinh hoạt hiện tại bao nhiêu, con người lại càng bị mắc kẹt vào những hình thái ấy bấy nhiêu. Em thử nhìn lại xem. Em chán ghét trường học, nhưng em cũng cứ phải hàng ngày chui đầu vào lớp học để nghe giảng những môn học hình như không dính líu gì đến những băn khoăn thao thức lớn nhất trong tâm hồn em. Em chán ghét thi cử, khinh miệt bằng cấp, vậy mà em vẫn phải chui đầu vào phòng thi, cố cướp cho được một mảnh bằng như bất cứ ai khác. Em rất chán ghét đời sống cạo giấy an phận của công tư chức nhưng mà em vẫn phải lê mòn gót chân đi tìm công việc như bất cứ một người thất nghiệp nào. Em không yêu, không nghĩ đến đời sống lứa đôi nhưng em vẫn lao đầu vào những cuộc phiêu lưu cảm giác để gây thêm chán chường và bực tức cho em và cho kẻ khác. Em phải bắn vào đầu những kẻ em không thù hận. Em bị mắc kẹt vào những gì em khinh ghét và những gì em ghê sợ nhất. Nhận thức ấy làm cho em khinh ghét và ghê sợ chính em. Em thấy em bất lực trước một thực tại càng ngày càng trở nên khắc nghiệt, càng ngày càng thêm sức khống chế, và tiêu diệt em. Ý thức điều ấy em đã nổi loạn. Em đập phá lung tung. Và càng vùng vẫy, em lại càng mắc kẹt. Không những em đã làm như thế mà chúng tôi cũng đã làm như thế. Những người đi trước ta cũng đã làm như thế. Trong cơn hốt hoảng, bối rối, chúng ta có thể tạo nên nhiều lầm lỗi, chúng ta nổi loạn không đúng cách. Chúng ta đã không đập vỡ được mà chỉ mua thêm lấy những thất vọng, những chán chường, những mệt mỏi. Để rồi chúng ta tự làm cho tình trạng đã bi đát lại càng bi đát thêm ra đến cả trăm lần.

Tôi thấy nhất định là chúng ta phải nổi loạn rồi. Bởi vì nếu ngồi yên, thúc thủ, tiêu cực, chúng ta sẽ bị lôi tất cả vào guồng máy, và nhân loại sẽ đi đen chỗ tiêu diệt nhân tính. Con người vì tiện dụng đã đặt ra những khuôn khổ, và những khuôn khổ ấy cũng đã trở lại khống chế con người. Con người bị bắt buộc phải chui vào những khuôn khổ kia để rồi phải từ chối bản ngã chân thực của mình. Con người khoác lên một bộ mặt giả tạo để có thể mua được sự an thân tầm thường. Xã hội bắt em phải điêu đứng thảm hại nếu em không chấp nhận những khuôn khổ của nó. Em phải ăn theo những cách thức nào đó, nói theo những khuôn thước nào đó, cười theo những mẫu mực nào đó. Có những cái em không được ưa thích và có những cái khác em phải tập ưa thích cho bằng được. Có những cái xã hội không cho phép em có, và có những cái xã hội bắt em phải có. Nếu em không tuân theo những mệnh lệnh đó, nếu em không làm được những gì xã hội buộc em phải làm thì em sẽ bị xem như là một người bất thuờng, và tệ hơn nữa, một người bất lực. Vì vậy muốn được an thân, con người phải cúi đầu chịu khuất phục mệnh lệnh của số phận, con người phải chui đầu vào guồng máy. Bởi vì chúng ta không muốn tiêu diệt con người của chúng ta nên chúng ta nổi loạn. Thân phận của con người sở dĩ đã bi thảm lại càng bi thảm thêm là vì những cuộc nổi loạn của con người đã không đủ sức để phá vỡ được guồng máy mà thương thay chỉ gây thảm thương tích cho con người nổi loạn. Cuộc đời đã trả thù những kẻ nổi loạn chống lại nó và trả thù một cách đích đáng. Con người nổi loạn đã bị điêu đứng thảm hại. Con người nổi loạn đã bị lên án, đã bị gạt ra ngoài lề của xã hội, đã mang đầy thương tích, đã trở thành điên loạn. Đứng trước những đe dọa tiêu diệt nhân tính của guồng máy xã hội, đứng trước những đổ vỡ trong và ngoài, chứng kiến những thảm kịch của cuộc sống, người trẻ tuổi hôm nay vừa bàng hoàng vừa phẫn nộ, vừa khiếp sợ vừa xót xa. Câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời đã đến với các em rất sớm. Tuổi các em đáng lẽ phải còn là tuổi hát ca, nay đã bắt đầu là tuổi của những băn khoăn thắc mắc siêu hình. Có phải cuộc sống kinh nghiệm an phận đã đánh mất hồn nhiên của em đâu. Có phải người lớn đã cướp giật hồn nhiên của em đâu. Chính là cuộc đời, chính là những khuôn khổ, chính là sự tàn phá khốc hại của guồng máy.

Những biến cố xảy ra cho đất nước trong mấy mươi năm vừa qua đã làm cho tình trạng trầm trọng hơn lên. Chiến tranh đã tàn phá. Máu chúng ta đã đổ. Vấn đề quốc gia trở thành một vấn đề quốc tế. Một số trong chúng ta mang nặng mặc cảm nhược tiểu bất lực.

Trong hoang mang khổ đau, chúng ta  nhận thấy gia sản tinh thần của cha ông chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị và hiệu lực trong cuộc sống mới. Những nguyên tắc của đạo làm người, xưa tưởng như là bất di bất dịch, nay đã tự chứng tỏ là những giáo điều không còn phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của người thời đại. Nền tảng của sinh họat gia đình cũ và của lễ giáo cũ đã bị lung lay. Chúng ta chưa kịp rút được trong truyền thống tinh thần của dân tộc ra những chất liệu cần thiết để tạo dựng cho chúng ta một nhân sinh quan mới thích hợp với tâm trạng và hoàn cảnh mới, thì những khắc khoải những đổ vỡ của văn minh Tây phương đã lại tràn sang như những đợt sóng vỡ bờ tàn hại. Một số lớn các bậc phụ huynh, không hiểu được nguyên do căn bản của cuộc khủng hoảng, đã quy hết tội lỗi về cho thế hệ trẻ. Họ nói đến sự suy đồi của đạo lý. Họ nói đến tuổi trẻ như tuổi của ăn chơi, của tinh thần vô trách nhiệm. Họ chứng kiến sự suy sụp của nền tảng gia đình cũ và cứ cố níu lại một cách tuyệt vọng thứ uy quyền mà ngày xưa đã từng là một giá trị tuyệt đối trong gia đình – một giá trị được đạo lý và luật pháp bảo đảm. Thứ uy quyền đó đã mất rồi, không phải vì các bậc phụ huynh không biết sử dụng nó, cũng không phải vì các con em cố tình chống lại nó, mà tại vì nền tảng kinh tế của gia đình đã thay đổi một cách đáng kể. Cá nhân bây giờ không còn là cá nhân trong chế độ gia đình cũ. Phong tục, tập quán, luật pháp và kinh tế xưa không cho phép cá nhân tồn tại ngoài gia đình, hạnh phúc của cá nhân và của gia đình liên hệ với nhau một cách mật thiết, và cá nhân chỉ có thể có hạnh phúc trong phạm vi gia đình của mình. Thời đại của Tự Lực Văn Đoàn đã chứng kiến thảm kịch của sự vùng vẫy của cá nhân để thoát ra khỏi những kiềm tỏa của gia đình. Từ ngày kỹ nghệ và thương mại chiếm được địa vị trên trường kinh tế, nhu yếu giải phóng ấy càng ngày càng thêm rõ rệt, thêm cấp bách. Gia đình ngày nay, ai cũng biết, không còn giống như gia đình ngày xưa, vì vậy uy quyền và trách nhiệm phụ huynh phải được quan niệm lại để có thể trở nên phù hợp và hữu hiệu. Cố níu lấy thứ uy quyền cũ, cố sử dụng thứ uy quyền mà thực ra bây giờ mình không có, các bậc phụ huynh chỉ làm cho con em xa lánh mình và do đó cắt đứt những giây liên lạc cảm thông với chúng. Trong thời đại này của chúng ta, ai cũng có một tâm sự đa đoan, ai cũng là nạn nhân của những biến cố những tệ đoan xã hội. Sự giao tiếp với thế giới con người trở nên phức tạp; cùng đứng trong guồng máy tranh chấp con người dần dần trở nên nguồn khổ đau cho nhau. Con người không xướng họa hòa hợp với nhau nữa mà phải vùng dậy lấn áp nhau, đè bẹp nhau. Hoàn cảnh kinh tế chính trị văn hóa xô đẩy con người đi vào cái thế địa ngục của nhau. Những nét nhăn trên trán, những bực dọc thường nhật, những cau có gắt gỏng ấy, vô tình chúng ta đem về nhà để làm cho không khí của gia đình căng thẳng. Ai cũng có một thế giới lo âu riêng và không có đủ thì giờ lo nghĩ và săn sóc đến người khác, dù người khác ấy chỉ là người trong gia đình. Mỗi người là một thế giới, một vũ trụ, một hoang đảo. Mỗi người có một vỏ cứng bao bọc chung quanh. Những bực dọc những cau có kia lách vào giữa mọi người và càng lúc càng tách xa người này với người khác. Chúng ta có cảm giác cô đơn thực sự, và tệ hại hơn nữa là cảm giác ấy, trong khi chung đụng với những người thận yêu trong gia đình, lại càng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Chúng ta rút vào trong cái vỏ của chúng ta với ước mong được yên thân. Nhưng chúng ta không được yên thân hơn chút nào. Đối diện với niềm cô đơn của chúng ta, đối diện với chính chúng ta, chúng ta không đủ sức để chịu đựng. Con trai thì leo lên xe gắn máy đi tìm một thằng bạn, bất cứ thằng bạn nào, để rồi cùng vào ngồi nơi một quán nước, trao đổi vài câu chuyện, nhìn người đi kẻ lại qua khói thuốc của mình Con gái thì khoác vào một chiếc áo dài, xuống phố theo đám đông, trôi xuôi hai bên bờ đại lộ. Các em trốn không khí gia đình tìm đến nơi đám đông để rồi lại từ đám đông trở về với cái cô đơn của mình. Các em không có bản lĩnh thực sự cho nên các em không dám đối diện với cái cô đơn ấy. Và các em phải thường trực trốn chạy, trốn chạy sự cô đơn, trốn chạy chính bản ngã của các em.

Trong khi đó, oán ghét gia đình, em phải bám lấy gia đình; oán ghét học đường em vẫn phải chui đầu vào lớp học. Em vẫn phải học, phải thi, phải đỗ, phải kiếm việc làm. Không tin ở giá trị những việc em làm, em có mặc cảm rằng em giả dối. Em không thừa nhận những bảng giá trị hiện tại nhưng em vẫn phải phục tùng. Em vẫn phải phục tùng, vì những lý do do thật giản dị: em phải ăn, em phải mặc, em phải ngủ, nói tóm lại em có những nhu cầu ngũ uẩn phải được thỏa mãn. Có phải chính bi kịch của con người là ở chỗ vừa phủ nhận vừa phải phục tùng những ước muốn ác liệt của số phận không ? Mà số phận là gì nếu không phải là những gì do con người tạo ra bây giờ đã trở lại không chế con người?

Tôi cũng như em , tất cả chúng ta đều có một hệ thống thần kinh cần được giữ cho tương đối thăng bằng, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu trí tuệ tình cảm sinh lý thông thường, tất cả chúng ta cần phải được nuôi dưỡng trong những môi trường thuận tiện (chứ không phải dễ dãi) để có thể bảo vệ và phát triển những khả năng đặc biệt của chúng ta. Và bởi vì hoàn cảnh bao giờ cũng mang tính cách cộng đồng, chúng ta biết rằng chính con người đã tạo nên hoàn cảnh của mình và chỉ có con người mới đủ sức chuyển tạo được hoàn cảnh. Là nạn nhân trực tiếp của những hoàn cảnh xã hội hiện tại khống chế bởi guồng máy hiện tại, chúng ta mất đi rất nhiều tự do sáng tạo. Tuy vậy chỉ có chúng ta mới chuyển đổi được hoàn cảnh, mới đập vỡ được guồng máy. Ta không còn có thể hy vọng ở một thế lực nào khác ngoài thế lực của chúng ta. Nhưng trong tình trạng cô đơn, nghi ngờ và thác loạn, ta không thể nào thực sự tạo nên một sự thay đổi. Chúng ta đã nổi loạn, nhưng những cuộc nổi loạn đó vẫn chỉ là những cuộc nổi loạn rất cô đơn. Chúng đưa tới sự trả thù của guồng máy. Chúng ta bị điêu đứng tàn hại vì đã dám chống lại nó. Bị gạt ra khỏi cuộc sống ước lệ, bị khinh bỏ, đè nén, la mắng, tủi nhục, chúng ta càng cảm thấy xa lìa mọi người, càng trở nên cô đơn, càng thêm thù ghét con người. Càng mất bình tĩnh, chúng ta càng đập phá lung tung, và sự mệt mỏi rã rời của thần kinh của thể xác và tâm hồn kêu gọi một sự trốn chạy cuối cùng: tự tử. Khi một người nhận thấy rằng cuộc đời vô lý không đáng sống, thì hắn cũng nhận thấy luôn rằng tự tử không phải là một cái gì đen tối mà có thể là một nẻo thoát quang đãng cũng chưa biết chừng.

Em hãy cho tôi trở lại với hệ thống thần kinh của chúng ta. Thực ra vì cái hệ thống thần kinh bị giao động mãnh liệt đó mà chúng ta đã thấy cuộc đời quá bi thảm. Sự thực, thiếu bình tĩnh, chúng ta đã tạo thêm quá nhiều đen tối cho cuộc đời, nhất là cho cuộc đời của chính chúng ta. Cảm giác cô đơn là do những vụng dại, ngu dốt và kém cỏi của chúng ta tạo ra: đó là một chứng bệnh của con người, hơn là một cái gì nằm trong bản chất của con người. Vì thiếu bản lĩnh, thiếu khôn ngoan, ta đã tạo ra những đường nứt, những chiếc vỏ cứng, những bức tường chia cách cao vút, ngay giữa những người thân yêu và có cảm tưởng rằng ta với những người khác không được cùng làm bằng một chất, do đó, không thể nào có sự cảm thông. Nếu gia đình là một tổ chức giả hiệu, thiếu tình thương, thiếu cảm thông. Nếu gia đình chỉ là một quán trọ, thì đó chính là vì sự hèn kém của chúng ta, vì sự ích kỷ của chúng ta, vì những vô minh của chúng ta. Chính chúng ta gieo mầm tách biệt thì chúng ta không nên phàn nàn về sự cô đơn. Ta phàn nàn rằng không ai hiểu ta thì chính lúc đó, ta không hiểu được ai. Chính những phàn nàn đó biểu lộ rõ rệt sự ích kỷ của chúng ta và cả sự độc tài của chúng ta nữa.

Có những trang thanh niên, chỉ vì một vài thất bại nhỏ khi mới bước chân vào đời, một vài lần thi hỏng, một vài sự phản bội chẳng hạn, cũng đã tự cho rằng mình cô độc nhất đời. Những người trẻ tuổi này bắt đầu nói chuyện chán nản, nói chuyện cô độc, nói chuyện nôn mửa. Một số khác, sẵn có chút ít kiêu ngạo và ngông nghênh của tuổi trẻ, cũng nói chuyện chán nản, cô độc và nôn mửa. Rốt cuộc thái độ tỏ ra bất cần đời đó trở nên một cái mốt mới.

Ai mà không “nổi loạn” thì kẻ đó là người tầm thường, kẻ an phận. Những cuốn tiểu thuyết hiện sinh ngoại quốc bắt đầu bán chạy ở xứ ta không phải vì giá trị của chúng mà vì cái mốt hiện sinh đã được đề cao. Cả những kẻ không đọc trôi được những cuốn tiểu thuyết ấy cũng có chúng trong tủ sách mình, trong tay mình, trên xe buýt cũng như trong lớp học. Rồi truyện ngắn truyện dài nói chuyện chán chường khinh bạc cũng xuất hiện trên thị trường văn chương Việt Nam và kéo vào vũng lầy của sự tự kỷ ám thị một số không ít những con cừu của Panurge. Chúng ta ai cũng biết rằng bắt đầu bằng những câu chuyện chán chường, và một vài cử chỉ tỏ vẽ chán chường, dần dần nếp sống của ta sẽ trở nên chán chường thật sự. Con người yếu đuối và dễ bị nhiễm độc, dễ bị ảnh hưởng: chúng ta cần nhìn nhận sự thực đó.

Cho nên ta hãy van xin các nhà văn nghệ đừng đào sâu thêm, đừng trình bày thêm khía cạnh chán chường cô độc của con người, đừng bi kịch hóa thêm những gì đã vì vụng dại của chúng ta mà trở nên bi kịch. Vết thương rướm máu, xin đừng cào quấu thêm ra. Đừng tự ám thị và đừng ám thị kẻ khác nữa. Vạn sự là do tâm chúng ta. Đừng chết đuối trong biển chán chường cô độc do chúng ta tự tạo. Văn nghệ nên đảm nhận sứ mệnh tri liệu bởi vì ở giữa đời này không có ai lại là người có thể sống một cách vô trách nhiệm, dù là nhân danh tự do. Chúng ta hãy lắng lòng cho phong ba bão táp dịu xuống, cho mây mù tan đi. Chúng ta không thực sự cô đơn. Cuộc đời không thực sự đáng ghê tởm. Cuộc đời cũng như sự sống là một cái gì mầu nhiệm. Mẫu trời xanh trong mắt em thơ thật là mầu nhiệm. Tư tưởng chúng ta cũng là những gì mầu nhiệm. Chúng ta hãy bình tĩnh lại để thấy rằng ngục tù giam hãm chúng ta trong cô đơn vốn là một ngục tù do tâm chúng ta tự tạo. Hãy ngồi xuống và bắt đầu bằng một cuộc nói chuyện thực sự. Hãy đập vỡ cái vỏ cứng đang giam hãm em. Hãy cố gắng về phần em một tí. Tôi biết khi em đọc qua những giòng này em có thể nói rằng tôi không hiểu em. Và khi nghe em nói như thế, tôi cũng có thể trả lời rằng: Em không hiểu tôi. Như vậy, cuối cùng chúng ta cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Chi bằng chúng ta hãy chấp nhận sự thực này: nếu tôi không hiểu em, thì ít nhất tôi cũng đang muốn tìm hiểu em và muốn được em hiểu. Nơi em, tôi cũng chỉ mong có chừng ấy. Bởi vì tôi thấy chìa khóa của vấn đề là nơi sự thông cảm. Có sự thông cảm, chúng ta mới đánh tan được ảo giác cô độc. Và chỉ có thông cảm chúng ta mới có phương tiện gom tâm lực của chúng ta thành một sức mới để có thể nổi loạn một cách bình tĩnh, hữu hiệu, chống lại được guồng máy, chuyển đổi được tình trạng. Nếu không, những cuộc nổi loạn đơn độc vụng về và mất bình tĩnh cũng sẽ chỉ đưa đến thêm những đổ vỡ những  đen tối và tình trạng sẽ vì vậy mà càng ngày càng trầm trọng hơn lên.

theo LàngMai.org

Comments