Hầu hết các ngôi chùa ở xứ ta đều có đại hồng chung. Đại hồng chung là chuông lớn mà mỗi khi được thỉnh lên thì âm thanh có thể nghe được từ thôn trên xuống xóm dưới. Đại hồng chung được thỉnh vào buổi khuya và buổi tối, mỗi buổi đúng 108 tiếng. Người thỉnh chuông được gọi là tri chung.
Đại hồng chung thường được treo trên lầu cao, gọi là lầu chuông hay gác chuông, để âm thanh có thể đi xa.
Đại chúng thức dậy lúc bốn giờ sau khi nghe ba tiếng chuông báo chúng. Chuông báo chúng hình thù cũng tương tự như đại hồng chung, nhưng nhỏ hơn nhiều, được treo ở hành lang, và âm thanh chỉ đủ nghe trong khuôn viên của chùa. Đại chúng có chừng hai mươi phút để chuẩn bị trước giờ ngồi thiền buổi sáng. Chỉ có những chùa lớn mới có thiền đường riêng. Ở nhiều chùa, đại chúng ngồi thiền trên chính đơn (giường ngủ) của mình; cũng có chùa tổ chức ngồi thiền trên Phật điện.
Vị tri chung bắc ghế ngồi trước đại hồng chung. Vị này thở những hơi thở vừa nhẹ vừa dài và nhiếp hết tâm ý vào hơi thở, không để cho tâm ý loạn động.
Từ hành lang chánh điện, tiếng chuông báo chúng lại vọng lên, lần này ba hồi và ba tiếng. Vị tri chung lắng tai nghe và tiếp tục theo dõi hơi thở. Người đang thỉnh chuông báo chúng là vị hương đăng, phụ trách Phật điện và Thiền đường. Khi hồi chuông báo chúng thứ ba sắp chấm dứt, vị tri chung của chúng ta chắp tay làm lễ đại hồng chung rồi nâng chiếc vồ trên hai tay và bắt đầu thức chuông. Vị này thỉnh bảy tiếng nhẹ trên mặt trăng của đại hồng chung, tiếng thứ tư và tiếng thứ năm hơi gần nhau. Hồi chuông báo chúng thứ ba đã chấm dứt; vị hương đăng nghe bảy tiếng chuông thức biết là vị tri chung đã sẵn sàng, liền thỉnh tiếng chuông đầu trong ba tiếng chuông báo chúng chót. Để đáp lại, vị tri chung thỉnh một tiếng đại hồng chung. Tiếng này tròn đầy, lớn mạnh, chứ không phải như bảy tiếng thức. Vị hương đăng thỉnh tiếng chuông báo chúng thứ hai. Vị tri chung đáp lại bằng một tiếng đại hồng chung, vị hương đăng thỉnh tiếng chuông báo chúng cuối cùng. Sau khi nghe tiếng đại hồng chung thứ ba đáp lại, vị hương đăng mới gác dùi chuông lên, chắp tay nghiêng mình trước chuông báo chúng và đi vào Phật điện.
Vị tri chung đợi cho tiếng chuông thứ ba ngân hết mới thỉnh tiếng chuông thứ tư.
Phía dưới chuông có một sợi dây cột ngang qua hai chân giá chuông, xâu qua sợi dây là 108 cái thẻ. Thỉnh xong một tiếng chuông, vị tri chung đẩy một cái thẻ từ bên phải qua trái. Khi cái thẻ cuối cùng đã được đẩy qua, vị tri chung mới bắt đầu nhập chung. Nhập chung tức là kết thúc buổi thỉnh chuông để bắt đầu buổi công phu sáng.
Trong thời gian thỉnh chuông, vị tri chung theo dõi hơi thở và nhiếp phục tâm ý theo tiếng chuông. Trước khi thỉnh một tiếng chuông mới, vị này đọc bài kệ thỉnh chuông.
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn
Nếu người thỉnh chuông gạn lọc ba nghiệp (thân, khẩu, ý) cho thanh tịnh để gửi lòng theo tiếng chuông thì người nghe chuông cũng đáp ứng lại bằng sự nhiếp tâm của mình. Giờ này đại chúng đang ngồi thiền. Mọi người nương theo tiếng chuông để nhiếp niệm và theo dõi hơi thở. Những vị có trách nhiệm đang nấu nước hay lo cháo sáng cho đại chúng cũng phải vừa làm vừa nhiếp niệm, nương theo tiếng chuông. Trong làng có những người đã dậy sớm, kẻ thì lo nấu cơm, kẻ thì lo gồng gánh đi chợ, người thì chuẩn bị nông cụ để ăn sáng xong thì ra đồng. Nếu họ là những người Phật tử biết thực tập, họ cũng theo dõi tiếng chuông và nhiếp niệm. Nghe tiếng chuông, họ ngừng mọi sự nói năng và suy nghĩ. Họ theo dõi hơi thở và nhiếp niệm theo tiếng chuông. Họ thầm đọc bài kệ nghe chuông:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
Sở dĩ đại hồng chung phải lớn và phải được treo cao là vì sự thực tập không phải chỉ được giới hạn trong chùa mà còn được thực hiện trong làng trong xóm. Tiếng chuông thức tỉnh, vì vậy, là một trong yếu tố của nền văn minh tinh thần trong xã hội ta.
Công dụng của tiếng chuông là thức tỉnh. Ta biết rằng động từ budh trong tiếng Phạn có nghĩa là thức tỉnh. Buddha là người tỉnh thức (Ngày xưa dân Việt gọi Buddha là Bụt. Cho đến thế kỷ thứ mười bốn đời Trần, dân ta vẫn gọi Buddha là Bụt. Trong các tác phẩm viết bằng chữ Nôm Cư trần Lạc Đạo Phú, Đắc Phú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca (của vua Trần Nhân Tông) và Vịnh Hoa Yên tự Phú (của thiền sư Huyền Quang) viết về đầu thế kỷ thứ 14, chữ Bụt vẫn còn được dùng. Có lẽ ta chỉ bắt đầu gọi Buddha là Phật vào đời Hậu Lê, sau khi các tác phẩm Phật Giáo Việt Nam đã bị quân nhà Minh hoặc đốt hoặc chở về Kim Lăng trong thời gian ta bị nhà Minh đô hộ. Tiếng Phật tuy vậy cũng chỉ được dùng trong giới trí thức thôi chứ trong đại chúng cũng như trong chuyện cổ tích và tục ngữ ca dao, cho đến bây giờ ta vẫn còn tiếp tục gọi Buddha là Bụt. Ngày xưa, đạo Bụt đến Giao Châu rất sớm, trước cả Trung Hoa, cho nên dân ta đã trực tiếp gọi Buddha là Bụt ngay từ đầu kỷ nguyên Tây Lịch). Nếu Bụt là người tỉnh thức, thì tiếng chuông có thể được xem như tiếng gọi của Bụt. Nghe tiếng chuông, người họ Bụt phải có thái độ cung kính như khi nghe tiếng gọi của Bụt. Phải ngưng sự nói năng. Phải ngưng sự suy tư. Phải tỉnh dậy trong giờ phút hiện tại, biết mình là ai, đang ở đâu, đang làm gì. Phải nuôi dưỡng giây phút tỉnh thức ấy bằng hơi thở, nghĩa là phải theo dõi hơi thở ra và hơi thở vào của mình. Nếu rủi ro mà ta rơi vào sự quên lãng thì tiếng chuông kế tiếp sẽ giúp ta thức dậy. Thực tập nghe chuông tức là thực tập sự tỉnh thức.
Có những người đã quá lờn với tiếng chuông và vì vậy nghe tiếng chuông vẫn giữ thái độ dửng dưng. Trong số những người này có cả những vị trong giới xuất gia và những vị trong giới tại gia rất gần gũi chùa chiền. Những vị này đã đánh mất một phương tiện rất quí giá để thực tập đạo tỉnh thức. Họ phải tập nghe lại tiếng chuông. Nếu họ quyết tâm thì chỉ trong vòng vài tuần lễ họ đã có thể nhận được thông điệp của sự tỉnh thức mà tiếng chuông mang đến. Những ai trong chúng ta chưa bị lờn vì tiếng chuông hãy cẩn thận giữ gìn để tiếng chuông còn giữ được tính cách thiêng liêng của nó. Giữ gìn bằng cách thực tập: mỗi lần nghe chuông, ta phải nhiếp niệm, theo dõi hơi thở, ngưng mọi nói năng và suy tư, và thầm đọc bài kệ nghe chuông. Khi nghe tiếng chuông, nếu ta đang ở trong tư thế nằm thì ta nên ngồi dậy để tỏ sự cung kính. Hoặc nếu ta đang ngồi trong một tư thế không đẹp thì ta cũng chỉnh đốn lại thế ngồi để bày tỏ sự cung kính. Bởi vì tiếng gọi của tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt.
Nhưng Bụt không phải là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ta cũng có tánh Bụt trong ta, nghĩa là có khả năng tỉnh thức. Mọi người đều có khả năng tỉnh thức, đó là lời Bụt nói. Vậy tiếng chuông cũng là tiếng gọi của tánh Bụt trong ta. Ta tỏ thái độ cung kính khi nghe tiếng chuông là ta tỏ thái độ cung kính đối với tánh Bụt trong ta. Đó là sự tự trọng lớn lao nhất và cũng là sự tự tín vững chãi nhất mà con người có thể có đối với bản thân mình.
Đạo là con đường. Con đường của Bụt chỉ dạy là con đường của nếp sống tỉnh thức. Đạo Bụt vốn là một nếp sống hơn là một đức tin tôn giáo, và do đó, Đạo Bụt nhắm đến sự phục vụ sự sống con người trong giờ phút hiện tại hơn là đến sự cứu độ con người đã chết và nghĩ đến một cõi thiên đường hay cực lạc cho tương lai. Tuy nhiên vì nhu yếu tôn giáo nơi con người, đạo Bụt đã mang thêm dáng dấp của một tôn giáo và vì vậy tiếng chuông đã được thỉnh lên để đi về cõi âm, nhất là tiếng chuông buổi tối. Điều này ta có thể thấy qua bài kệ chuông sau đây:
Hồng chung sơ khấu, bản kệ cao âm
Thượng triệt thiên đường, hạ thông địa phủ
U minh giáo chủ bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát
Dịch nghĩa:
Hồi chuông mới thỉnh, lời kệ ngâm cao
Trên cọng thiên đường, dưới vang địa phủ
U minh Giáo chủ, bồ tát Địa Tạng Vương!
Vì bài kệ đó, người sống có thể nghĩ là tiếng chuông thỉnh lên là để cho người dưới cõi âm nghe; tiếng kệ ngâm và lời niệm Phật là để cầu nguyện cho sự giải thoát của những người đã chết, và người sống là chúng ta không cần phải thực tập, không cần ngưng chỉ tạp niệm, không cần ngưng chỉ vọng đàm, không cần theo dõi hơi thở, cũng không cần thầm đọc bài kệ nghe chuông!
Có rất nhiều gia đình tuy gọi là theo đạo Bụt nhưng không hề tập nếp sống tỉnh thức của đạo Bụt. họ chỉ biết cầu Bụt những lúc họ lâm vào tình trạng nguy khốn. Và họ chỉ đến chùa những lúc cần làm lễ cầu siêu cho những người vừa mạng vong. Vì vậy cho nên đã có nhiều chùa tìm phương cách tự túc kinh tế ở công việc lo tang lễ, cúng giỗ và cất tro và giữ mộ cho người chết. Đạo Bụt từ chỗ lo cho sự giải thoát của người sống đã dần dần biến thành đạo lo cho sự giải thoát của người chết.
Phương cách duy nhất để làm sống dậy đạo Bụt là thực tập đạo tỉnh thức trong đời sống hằng ngày. Và ta bắt đầu là sống dậy tiếng chuông chùa, dù tiếng chuông chùa vẫn còn mõi ngày vang vọng. Hãy tập nghe tiếng chuông như nghe tiếng gọi của Bụt.
Trong các khóa tu mà tôi hướng dẫn trong mấy năm qua cho người Âu Châu và người Bắc Mỹ Châu, các thiền sinh đều được thực tập nghe chuông. Trong suốt khóa tu, mỗi nửa giờ lại có một tiếng chuông. Vị tri chung cũng biết theo dõi hơi thở, nhiếp niệm và thầm đọc bài kệ thỉnh chuông trước khi thỉnh một tiếng chuông. Chỉ một tiếng chuông thôi. Tiếng chuông đó được gọi là chuông chánh niệm. Tất cả những người dự khóa tu mỗi khi nghe tiếng chuông đều phải ngưng mọi sự nói năng và suy tư, theo dõi hơi thở, nhiếp niệm và đọc bài kệ nghe chuông, dù họ đang làm gì đi nữa. Người đang giảng giải Phật Pháp cũng phải im lặng mà thực tập. Nếu vị tri chung là người có chánh niệm vững vàng thì tất cả đại chúng đều được lợi lạc. Có khi chưa tới giờ thỉnh chuông chánh niệm mà thấy tinh thần chánh niệm của đại chúng hơi bị lung lay thì vị ấy liền đi thỉnh chuông để thiết lập lại sự vững vàng của chánh niệm.
Trong gia đình, bạn cũng có thể thực tập chánh niệm bằng tiếng chuông, bạn có thể thỉnh về nhà một cái chuông thuộc loại gia trì. Nên chọn một chuông thật tốt. Phải thử xem âm thanh có trong lành ấm áp và có đạo vị không rồi hãy thỉnh chuông về nhà. Điều này quan trọng lắm, bởi vì tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt. Trong nhà nên thiết trí một phòng nhỏ gọi là Phòng Tĩnh Tâm. Đừng bày biện gì trong phòng ấy ngoài một chiếc bàn nhỏ và một bình hoa, một lư trầm và, nếu có thể, thì thêm một tượng Bụt. Tôi nói nếu có thể, đó là vì ta khó tìm được một tượng Bụt đẹp. Bụt thì phải đẹp, từ dáng ngồi, nét mặt cho đến nụ cười. Trên thị trường ta thấy tượng Bụt rất nhiều nhưng phần lớn đều xấu, không hình dung được tư thái hùng mạnh, giải thoát và an lạc Bụt. Bạn đừng vội thỉnh một tượng Bụt và nếu bạn chưa thật bằng lòng về tượng Bụt ấy. Phải nói cho người chủ tiệm biết rằng những tượng ấy vì không diễn tả được tinh thần hùng vĩ, giải thoát và an lạc của Bụt cho nên chưa phải là tượng Bụt. Nếu ta thỉnh một tượng Bụt xấu về tức là ta khuyến khích người ta tạo thêm những tượng Bụt xấu. Người tạo tượng phải là người biết về đạo Bụt và phải thực tập theo đạo Bụt mới có thể tạo nên những tượng Bụt có tinh thần tỉnh thức và từ bi. Tôi biết có một nhà nghệ sĩ luôn luôn ăn chay, ngồi thiền và đi thiền hành trong suốt thời gian tạo tượng. Tượng Bụt của ông ta làm rất có giá trị nghệ thuật và tâm linh. Nếu chưa được gặp tượng Bụt đẹp, thì bạn hãy cứ bằng lòng với bình hoa mà bạn đặt trên bàn trong Phòng Tĩnh Tâm. Bình hoa ấy bạn vừa cắm vừa thở theo chánh niệm. Bình hoa ấy đại diện xứng đáng cho Bụt, hơn một tượng Bụt xấu xí không có tướng Bụt.
Trong phòng Tĩnh Tâm bạn có thể đặt một ít gối ngồi thiền. Trong gia đình có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu gối. Bạn có thể để thêm vài cái gối dành cho những người khách thân của gia đình những người biết giá trị của sự nghe chuông và tĩnh tâm.
Buổi sáng, trước khi đi làm hay đi học, bạn hãy để ra năm phút để thực tập nghe chuông. Mở cửa phòng Tĩnh Tâm nhè nhẹ, và theo dõi hơi thở. Chắp tay búp sen làm lễ Bụt hoặc Bình hoa thay mặt Bụt. Khoan thai ngồi xuống, ngay ngắn, thảnh thơi trên một tọa cụ (gối ngồi) đối diện với chuông. Chắp tay làm lễ chuông. Cầm dùi chuông lên. Theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra ba lần. Đọc bài kệ thỉnh chuông xong, bạn mới thỉnh chuông. Phải thỉnh sao cho tiếng chuông đừng chát chúa và cũng đừng non yếu. Khi tiếng chuông vọng lên, bạn vừa theo dõi tiếng chuông vừa thở vào rồi thở ra, ba hơi, thật sâu, thật nhẹ. Bạn thầm đọc bài kệ nghe chuông. Như vậy là bạn đã thực tập được một lần. Bạn nên thực tập thêm hai, ba hay bốn lần nữa, trước khi chắp tay làm lễ chuông và đứng dậy. Nếu thực tập chín chắn thì tâm hồn bạn sẽ an lạc và thanh tĩnh. Một ngày được bắt đầu như thể rất có thể là một ngày đáng sống. bạn chỉ để ra có ba phút thôi. Nhiều là năm phút.
Buổi tối trước khi đi ngủ, bạn cũng nên thực tập nghe chuông như thế. Tốt nhất là cả gia đình cùng làm chung. Các em bé từ ba tuổi trở lên đều đã có thể thực tập. Nếu bạn muốn ngồi thiền thêm thì bạn cho phép trẻ em đi ngủ trước rồi bạn tiếp tục ngồi.
Trong ngày, mỗi khi bạn thấy tâm trạng mình bất an, bạn nên lẳng lặng vào phòng Tĩnh Tâm và thực tập nghe chuông. Những lúc thấy trong người bực bội, nóng giận, chán nản, bạn đừng nói năng gì hết với ai trong nhà. Nói năng trong những lúc đó có thể gây ra điều bất lợi cho hạnh phúc và an lạc. Bạn hãy một mình đi vào phòng Tĩnh Tâm để thực tập nghe chuông. Trong gia đình, mỗi khi nghe tiếng chuông vọng ra từ phòng Tĩnh Tâm, ai nấy cũng đều phải im lặng, ngừng suy tư, theo dõi tiếng chuông, theo dõi hơi thở và thầm đọc bài kệ nghe chuông. Có làm được như vậy mới xứng đáng là một gia đình sống theo tinh thần của Bụt.
Tại chùa, mỗi khi nghe tiếng chuông, dù đại hồng chung, chuông bảo chúng hay chuông gia trì, ta cũng phải im lặng để thực tập. Giới xuất gia cũng vậy, giới tại gia cũng vậy. Ta hãy phục hồi lại uy thế tinh thần của tiếng chuông chùa. Nền văn hóa tâm linh của chúng ta sẽ được phục hồi từ tiếng chuông chùa.
Năm ngoái trong thời gian đi hướng dẫn các khóa tu tại Bắc Mỹ Châu, tôi có lưu trú tại một gia đình học Bụt tại Boulder ở tiểu bang Colorado. Gia đình này, sau khi dự khóa tu về, đã dùng tiếng đàn của chiếc đồng hồ quả lắc trong phòng khách làm chuông chánh niệm. Cứ mỗi mười lăm phút thì đồng hồ đàn theo tiếng chuông nhà thờ Westminter. Khi nghe tiếng đồng hồ đàn, mọi người trong gia đình, kể cả hai em bé sau và bảy tuổi đều im lặng theo dõi tiếng chuông, theo dõi hơi thở và thầm đọc bài kệ nghe chuông. Gia đình này là người Hoa Kỳ.
Tại khóa thiền tập "Les Sommets" ở Canada, có nhiều người học Bụt cho tôi biết là họ dùng tiếng đồng hồ đeo tay <bip-bip> để làm chuông quán niệm. Đi trên đường, làm trong sở hoặc cào lá ngoài vườn mà nghe tiếng đồng hồ <bip-bip> là họ ngưng nói năng, ngưng suy tư, theo dõi hơi thở và thầm đọc bài kệ nghe chuông. Tiếng <bip-bip> tuy không hay bằng tiếng chuông những cũng đủ tác dụng đưa họ về chánh niệm.
Thực tập tiếng chuông thuần thục rồi, bạn có thể đi xa hơn nữa: bất cứ một âm thanh nào cũng có thể là tiếng gọi của Bụt, tiếng gọi của chân tâm bạn. Một tiếng chim hót, một tiếng vượn hú, một tiếng cười của trẻ thơ… đều có thể giúp bạn tỉnh thức lại và vượt thoát thế giới của quên lãng và của đau buồn. Có hôm đang ngồi trong rừng ngắm mặt trời lọc qua màu lá tháng tư, tôi bỗng nghe tiếng chim gọi. Tôi liền nhiếp niệm, theo dõi hơi thở. Tôi đang theo dõi hơi thở thì con chim bay đến trên một cành cây phía trên đầu tôi và hót líu lo. Tôi bật cười nhìn lên và nói: "đã nghe rồi mà", làm như con chim là vị tri chung của tôi vậy. Bạn cũng có thể biến những âm thanh không được dễ chịu như tiếng trực thăng, như tiếng trẻ khóc v.v… thành tiếng chuông chánh niệm. Rồi sau đó, bạn có thể khởi chánh niệm khi nhìn thấy một lọn tuyết rơi, một bông hoa nở hay một tia nắng chiều. Tất cả các hình ảnh và âm thanh quanh ta đều biểu hiện pháp thân, đều là những sứ giả có thể đưa ta về chánh niệm. Ngày xưa thiền sư Linh Vân nhìn thấy hoa đào nở mà chứng ngộ. Nhưng không phải chỉ có hoa đào mới giúp được người ta chứng ngộ. Bất cứ một âm thanh hay một hình ảnh nào cũng có thể giúp ta. Thiền sư Hương Nghiêm trong khi cuốc đất nghe tiếng một hạt sỏi văng vào thân tre mà chứng ngộ. Cả hai vị Linh Vân và Hương Nghiêm đều là học trò của thiền sư Quy Sơn. Nếu không biết thực tập chánh niệm hằng ngày mỗi khi thấy lá rơi hoa nở thì làm sao đi đến kết quả ấy?
Chúng ta quen thỉnh chuông mà không nói đánh chuông. Thỉnh là mời. Thỉnh chuông là mời chuông lên tiếng. Chuông giúp ta trở về chánh niệm, chuông là người bạn giúp ta tỉnh thức, chuông là một vị bồ tát (bồ tát dịch từ chữ bodhisatava, có nghĩa là giúp cho kẻ khác tỉnh thức), cho nên ta chắp tay làm lễ chuông trước khi thỉnh chuông, cho nên ta chắp tay làm lễ chuông trước khi thỉnh chuông. Thái độ cung kính ấy sau này ta sẽ có với tất cả mọi hiện tượng khác trong vũ trụ, khi mà ta biết rằng từ trúc vàng, hoa tím cho đến hạt sỏi tiếng chim đều là biểu hiện của pháp thân.
Trong thiền viện hay trong các khóa tu, mỗi khi gặp nhau ta phải chắp hai tay trước ngực thành một búp sen để chào nhau. Cử chỉ này cần được làm trong chánh niệm: ta thấy rõ ta đang làm một búp sen để tặng người đối diện. Trong khi chắp tay ta trở thành tỉnh thức, và người được ta chào cũng trở nên tỉnh thức. Người này cũng phải chắp tay lại thành búp sen để đáp lễ. Tuyệt đối không nên chắp tay một cách máy móc. Chắp tay máy móc còn tệ hơn là không chắp tay. Gặp người khác, ta phải dừng lại, và phải chắp tay chào một cách cung kính như ta chắp tay chào Bụt vậy. Thái độ cung kính và tỉnh thức của ta, người ấy cũng sẽ chắp tay lại và trong tâm người ấy cũng sẽ phát sinh niềm cung kính và sự tỉnh thức. Một cái chắp tay như thế có thể đem tính Bụt trở về nơi hai con người cùng một lúc. Khi chắp tay thành búp sen ta thầm đọc bài kệ sau đây:
Sen búp xin tặng người
Một vị Bụt tương lai
Gặp một em bé ta cũng chắp tay cung kính như gặp một người lớn. Nếu ta chào em bé như thế, em bé sẽ biến đổi một cách lạ kỳ, và chính ta, nếu ta thực tập cách chào này cho nghiêm chỉnh ta cũng sẽ biến đổi. Ta không chào người vì bằng cấp, địa vị, trí thông minh hay nhan sắc của người ấy mà vì người ấy là một người, người ấy có khả năng tỉnh thức. Cái chào của ta có tính chất bình đẳng tuyệt đối. Chào được như thế, sau này ta sẽ có một cái nhìn rất lạ đối với mọi loài và mọi vật, kể từ sỏi đá cỏ cây côn trùng cho đến một đám mây bay.
Mỗi khi ta được trao một vật gì, như một tách trà, một trái lê hoặc một tờ giấy ta cũng nên chắp tay một cách cung kính trước khi đón nhận Cái chắp tay của ta, cũng giống như tiếng chuông có thể tạo ra sự tỉnh thức nơi ta và nơi người đối diện. Thiền tập là như thế: thắp sáng ý thức trong từng giây khắc của cuộc sống.
Trong những khóa tu dành cho người Âu Mỹ, tôi luôn luôn cho thực tập rất nghiêm chỉnh việc nghe chuông và chắp tay. Thiền sinh nào cũng lấy làm lạ là tại sao chỉ cần thực tập hai điều ấy thôi mà đã thấy tâm hồn thanh tịnh và an lạc nhiều rồi. Chúng ta có truyền thống nghe chuông và chắp tay gần hai ngàn năm, nhưng chúng ta đã để cho sự thực tập trở thành máy móc. Chúng ta phải biết khám phá lại tiếng chuông và búp sen của chúng ta.
theo LàngMai.org
Comments
Post a Comment