Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời và công phu lao tác.
Xin nguyện ăn trong chánh niệm để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
Xin nguyện chuyển hóa những tật xấu và học cách ăn uống có điều độ.
Xin nguyện chỉ ăn những thức có tính cách nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.
Vì muốn thành tựu đạo nghiệp hiểu và thương nên xin thọ nhận thức ăn này.
Ðiều Quán Niệm thứ nhất là ý thức rằng thức ăn của ta đến trực tiếp từ Ðất và trời; đó là một tặng phẩm của đất trời, và của những người đã nấu nên nó.
Ðiều Quán Niệm thứ hai nói về sự xứng đáng nhận lãnh thức ăn. Xứng đáng với thức ăn có nghĩa là phải ăn trong chánh niệm; ý thức rằng thức ăn đang hiện hữu và có lòng biết ơn đã nhận được thức ăn. Hãy lấy thí dụ miếng đậu đũa. Ðất và trời đã để ra nhiều tháng để làm ra trái đậu đũa. Thật là tội nghiệp nếu ta chỉ nhìn nó mà không thấy được nó là một mầu nhiệm của cuộc sống. Khi ta ăn, năng lượng của chánh niệm có thể giúp ta thấy thức ăn của ta thật là tuyệt vời. Ta không thể để mình lạc vào những lo âu, sợ hãi hay tức giận những điều trong quá khứ hay tương lai. Ta có mặt đó cho thức ăn bởi vì thức ăn có mặt đó cho ta; chỉ là công bằng thôi. Hãy ăn trong chánh niệm và bạn sẽ cảm thấy mình xứng đáng với đất và trời.
Ðiều Quán Niệm thứ ba là có ý thức về những khuynh hướng tiêu cực trong ta và không để cho những khuynh hướng tiêu cực ấy lôi kéo ta. Ta cần học cách ăn uống có điều độ; ăn một số lượng vừa phải. Ở Làng Mai, mọi người trong chúng tôi đều ăn trong một cái bình bát, và mỗi khi lấy thức ăn, chúng tôi biết đích xác chúng tôi cần bao nhiêu thức ăn. Bình bát mà các sư chú và các sư cô dùng để ăn được xem như là một dụng cụ thích hợp để đo lường. Không ăn quá độ là một điều rất quan trọng. Nếu bạn ăn chậm lại và nhai thật kỹ, bạn sẽ có đầy đủ chất bổ dưỡng. Số lượng thức ăn vừa phải là số lượng giúp ta sống mạnh khỏe.
Ðiều Quán Niệm thứ tư nói về phẩm chất của thức ăn. Chúng ta nhất quyết chỉ dùng những thức ăn không có độc tố cho thân và cho tâm ta. Chúng ta hứa chỉ dùng những thức ăn giúp ta giữ gìn sức khỏe và nuôi dưỡng lòng từ bi, và tránh những thức ăn có chứa đựng hoặc đem độc tố vào thân ta, và làm lòng từ bi trong ta suy giảm. Như thế gọi là ăn trong chánh niệm. Bụt dạy rằng nếu bạn ăn như thế nào mà để cho lòng từ bi trong bạn bị hủy diệt thì giống như bạn ăn thịt của chính con trai hay con gái bạn. Vậy phải thực tập ăn như thế nào để giữ vững lòng từ bi trong bạn .
Ðiều quán niệm thứ năm là ý thức rằng ta thọ nhận thức ăn là để thành tựu một cái gì. Cuộc sống của ta phải có ý nghĩa, và ý nghĩa ấy là giúp người bớt khổ, giúp người tiếp xúc được với những niềm vui trong đời sống. Khi ta có lòng từ bi trong tim ta, khi ta biết rằng ta có thể giúp người bớt khổ, thì đời sống trở nên có ý nghĩa hơn. Ðó là một thức ăn rất quan trọng cho ta.
Chỉ một người thôi cũng có thể giúp được cho nhiều người. Sư Cô Chân Không, vị đồng tu của tôi, đã từng làm việc với dân nghèo, trẻ mồ côi, và người đói trong nhiều năm. Nhờ việc làm của mình, Sư Cô đã giúp được hàng ngàn người bớt khổ. Ðiều ấy đã đem lại cho Sư Cô nhiều niềm vui và làm cho cuộc sống của Sư Cô có ý nghĩa. Ðiều này có thể đúng với tất cả chúng ta bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào . Chỉ cần nói vài chữ làm cho người khác bớt khổ là đã đem lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Và ta có thể làm điều này bất cứ ở đâu.
Khi đời bạn có ý nghĩa, hạnh phúc trở nên một thực tại và bạn trở thành một vị Bồ Tát ngay bây giờ và ở đây. Bồ Tát là một người có lòng từ bi trong tim và có thể làm cho người khác mỉm cười được, hay cảm thấy bớt khổ. Ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều này.
theo LàngMai.org
Comments
Post a Comment