52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không
Mùa Mưa Lũ năm Giáp Thìn, mặt nước sông Thu Bồn dâng cao 5 thước, từ 60 năm nay chưa bao giờ có trận lũ lớn như thế. Nước lên quá nhanh đồng bào chạy không kịp nên nghe nói có hơn 4.000 người bị lũ cuốn đi. Có thôn như Đông An, Sơn Ninh, Đức Dục có 700 cử tri mà sau lũ lụt chết gần 500, giờ chỉ còn 204 người. Toàn quốc ai cũng đứng ra cứu trợ, có rất nhiều đoàn thể sinh viên học sinh các trường Đại Học, Trung Học, đoàn dược sĩ, y sĩ, thương gia, đoàn từ thiện của các chùa đều tổ chức đi cứu lụt. Lúc đó tại Đại Học Vạn Hạnh, tôi được cử làm Phó Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt. Anh Phúc và anh Siêu được đoàn gửi đi điều nghiên ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín và Quảng Nam để dọn đường cho đoàn chính thức chuẩn bị đi. Các anh về báo cáo là nhiều đoàn thể đi cứu trợ lắm nhưng họ trọng hình thức, làm gì cũng chụp hình đăng báo, cứu trợ nhiều nhất là xung quanh các thành phố lớn tương đối an ninh như Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn… Có những làng xa như Đức Dục, Sơn Khương, Cà Tang, quân đội du kích rất đông, chạm súng với bên quốc gia thường xuyên. Ai mà liều đi cứu trợ các vùng đó thì có thể chết vì lạc đạn dễ dàng nên chưa có đoàn nào dám đi. Thế là phái đoàn cứu trợ Viện Đại Học Vạn Hạnh chúng tôi lên đường ngay sáng hôm đó quyết đến những nơi mà thiên hạ thật cần mình.
Lời thệ nguyện trên sông Thu Bồn
Thầy Nhất Hạnh vui lòng đưa chúng tôi đi chuyến đầu. Tôi làm trưởng đoàn với khoảng 15 sinh viên Vạn Hạnh cùng đi như chị Phương Thảo, anh Phúc, sư chú Nhất Trí, anh Hiệp sinh viên Đại Học Huế. Tới Đà Nẵng chúng tôi lấy 200 bao gạo 100 kí mà đoàn gửi ra trước đó cùng với 20 bao quần áo, 3.000 cái nồi, 3.000 cái soong, đường, muối, tiêu và xì dầu, mấy chục bao đậu xanh để làm giá cho có vitamines, mấy ngàn chiếc chén, dĩa, đũa, muỗng, thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ sốt rét. Nhờ có thầy Nhất Hạnh đi theo nên mọi sự sao mà quá dễ dàng. Tới đâu cũng có người đồng sự: Đây là thượng tọa trụ trì Như Vạn, là học trò của thầy khi ở Ấn Quang, chỗ kia là các vị Phật Tử, kia nữa cũng là huynh trưởng từng là người ngưỡng mộ thầy. Các thượng tọa Như Vạn, Như Huệ rất cảm động vì các vị trưởng lão trong đạo, bậc cao tăng như thầy không có vị nào đi tới tận vùng xa xôi này. Thượng tọa Như Vạn nổi tiếng là đi cứu trợ không biết mệt vì cả hai bên quốc gia và du kích, nhiều người cũng là đệ tử của thầy. Nhờ cái cờ Phật giáo phất phới trên ghe mà bảy ghe chài cao nghệu chất ngất những soong, nồi, chảo, áo quần, gạo, đường, thuốc men, đậu xanh đi tới đâu cũng được tiếp đón dễ dàng giữa vùng "xôi đậu" (là vùng có hai phe cai trị).
Nghe nói ở miệt Sơn Khương (Trung Phước), Duy Xuyên không có ai đến cứu trợ cả và người ta đang đói. Tội nhất là đồng bào sống dài theo sông từ huyện Đức Dục, Cà Tang trở lên, phía thượng nguồn như Sơn Thuận, Tứ Phú, Khương Bình… Đau thương của đồng bào nơi đây thì thật ngút ngàn. Các vùng này nằm bên kia một chiến tuyến, hai bên chạm nhau thường xuyên và rất dữ dội, không đoàn cứu trợ nào dám đến giúp. Vì thế một số người chết vì lũ lụt, rồi bây giờ một số còn sống sau trận lụt lại tiếp tục chết vì đói, vì cả tháng rồi mà không ai dám tới. Thượng lưu sông Thu Bồn vách núi đá cheo leo. Nước từ các đỉnh núi, từ các nguồn đổ về, nhưng đất nơi đây chỉ là đá và đất sét nên hút nước không kịp. Nghe nói nước dâng lên tám thước. Chúng tôi thấy được tận trên cao của vách núi dấu ngấn lũ lụt ở khuôn Tứ Phú, xã Sơn Thuận. Cao đến thế thì dĩ nhiên là lút nhiều nóc nhà, nước cuốn thật nhanh cả nhà cả người cả súc vật. Nền hoang nhiều lắm vì rất nhiều gia đình chết sạch không còn ai.
Ghe đi ngược dòng vừa chèo vừa chống nên đi rất chậm. Ban ngày chúng tôi ghé từng thôn, phân phát gạo, thực phẩm và hỏi bệnh phát thuốc, tối chúng tôi cắm sào dừng ghe lại ngủ bên vách núi. Chúng tôi ngủ tại Khương Bình, Tứ Phú giữa vách núi đá lạnh căm căm, mỗi người chỉ có một lớp mền mỏng, không mùng và cũng không có nước suối đóng chai như ngày nay. Nước sông còn mùi xác chết, dù có lọc và nấu sôi vẫn không uống được nên sau khi thấy cơm vừa chín tới chúng tôi phải mở nắp nồi cơm để bốc hết những mùi hôi của nước.
Có một cụ già bảy mươi lăm tuổi, nước cuốn đi mất vợ và tất cả các con gái con trai, các cháu ngoại nội dâu rể và nhà cửa ruộng vườn… Nhờ cụ ngồi trên mình trâu trôi từ Đông An xuống đến tận Kỳ Lương nên chỉ còn một con trâu là kỷ niệm duy nhất trong đại gia đình. Suốt ngày cụ cứ dắt trâu đi vòng vòng như người mất hồn. Thấy chúng tôi mang quà tới cụ chẳng mừng, hồn lơ lơ lửng lửng như đang nghĩ ngợi đâu đâu.
Đi đến Cà Tang có những cụ già quỳ xuống xoè tay nhận cơm vắt và gạo chúng tôi mang đến, rồi vừa khóc vừa cúi xuống lạy các em gia đình Phật tử đáng tuổi cháu nội của cụ như lạy bồ tát Quan Âm (Gia Đình Phật Tử Quảng Nam cùng đi theo để phụ phát quà với chúng tôi). Các cháu hoảng kinh: Thưa cụ, xin đừng lạy cháu, cháu đáng cháu nội của cụ thôi, nhưng cụ bảo cụ lạy Bồ Tát đã che chở và đưa cháu tới tận nơi này. Đã bao nhiêu ngày sống sót sau trận lũ nhưng thoi thóp vì đói, cụ tưởng loài người đã quên hẳn cụ và những người còn sống sót sau cơn lũ. Thầy trò bắt đầu rời ghe xuống đi bộ từ Sơn Thuận, Tứ Phú. Có quá nhiều miếu nho nhỏ để thờ cả một khu xóm đều chết hết, nhất là ở Đông An, Sơn Ninh.
Đêm đó thầy cắt đầu ngón tay để nhỏ ra mấy giọt máu và phát nguyện rằng thầy sẽ không bao giờ quên đồng bào khổ cực chết vì thiên tai, chết vì bom đạn ở những vùng xa xôi như vầy. Rồi quay lại chúng tôi thầy nói: Các con nhớ không? Chúng ta sẽ không bao giờ quên! Có trời đất, có hồn thiêng đất nước, tổ tiên và đồng bào chứng minh! Những giọt máu rơi xuống dòng sông tại Tứ Phú. Chiều hôm đó khi đã hết gạo và các thứ cứu trợ chúng tôi chào đồng bào ra về. Nghe nói có quá nhiều cháu mồ côi. Có nhiều bà mẹ trẻ ôm đứa con duy nhất còn lại của mình đưa cho chúng tôi, xin chúng tôi đem các cháu về nuôi dùm vì họ sợ họ không sống sót tới mùa lúa tới. Mà các cháu chết thì tội quá. Chúng tôi cũng khóc với họ nhưng phải từ chối vì chúng tôi đều còn là sinh viên, không thể nào nuôi các cháu được.
Đừng quên, xin đừng vội quên
Sau chuyến đó thầy về Sài Gòn bị sốt rét nặng, nhưng đã viết bài tường thuật thật cảm động: Đừng quên, xin đừng vội quên đăng trên tuần báo Hải Triều Âm. Nhờ thế mà nhiều đoàn từ thiện lại chịu khó đi cứu trợ thêm trên thượng nguồn sông Thu Bồn. Cuối năm 1965, quý sư cô ở Huế đã quyết định đem một số khoảng mấy trăm trẻ không cha mẹ về nuôi tại chùa Tây Lộc, cô nhi viện Tây Lộc; và một số khoảng cũng mấy trăm em được đem về Sài Gòn nuôi tại Viện Hóa Đạo lấy tên là Cô Nhi Viện Quách Thị Trang. Riêng tôi thu xếp để mỗi hai tháng khi có giấy Viện Đại Học Huế trả vé phi cơ mời ra dạy thì tôi chỉ dạy một tuần thay vì mười ngày để có thể bỏ thêm một tuần thứ hai đi cứu trợ. Tôi được đi cứu trợ đều đặn mỗi năm ba lần cho đến 1966 tôi bị công an Thừa Thiên không cho ra Huế dạy nữa.
Chuyến đầu tiên không có thầy, tôi rủ được Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng. Phùng Thăng có gương mặt rất thanh tú, dáng người thanh lịch, nhìn em mặc chiếc áo năm thân mầu nâu cùng đi cứu trợ với tôi ở những vùng xa xôi bom đạn như vầy tôi rất cảm động và thầm khâm phục cô công chúa bé dễ thương chịu khó này. Em nói với tôi là em rất ưa tên Phượng, nên sau này lấy chồng sinh con, Phùng Thăng đã đặt tên cháu là Tiểu Phượng. Chuyến đi cứu trợ nào tôi cũng đi với sư chú Nhất Trí, đệ tử xuất gia đầu của thầy. Chú người Hòa Vang, Quảng Nam. Chú về trước vài ngày để mướn thuyền to, mướn xe tải chở thực phẩm và quà cho đồng bào từ Đà Nẵng tới (những khối lượng quà này chúng tôi lạc quyên từ Sài Gòn và gửi ra Đà Nẵng vài tuần trước khi tôi đi dạy ở Huế rồi đi Quảng Nam cứu trợ luôn). Lần nào cũng vậy, sau khi dạy xong ở Đại Học Khoa Học Huế, tôi và đoàn sinh viên từ Huế sẽ về Đà Nẵng rồi Quảng Nam để đi ngược sông Thu Bồn dọc theo bờ sông mà phân phát quà cho đồng bào. Phan Đạm Hiệp là một sinh viên đại học Huế không bao giờ vắng mặt trong các chuyến đi của tôi.
Lần cứu trợ thứ ba, cũng tại nơi này, khi ghe đến Sơn Khương thì hai bên du kích và quốc gia đang bắn nhau dữ dội, sư chú Nhất Trí sợ quá nhảy tòm xuống sông trốn đạn. Chú bé đứng gần bên bèn hô hoảng lên: Ông thầy tự vẹn (tự vận). Ai cũng biết chú sợ lạc đạn mà nhảy nên không ai lo cứu! Tôi ngồi thật yên, thở và niệm thầm Phật Quan Âm. Tôi tự nhủ: Con không tránh đạn được. Chính đạn phải tránh con đó bồ tát Quan Thế Âm ơi. Con phải đi tới đây vì mấy nơi này xa xôi hiểm nguy quá, đâu có đoàn nào dám đi tới đây đâu nên đồng bào cần con. Đâu. Bỗng nhiên tôi cất tiếng lên, nhẹ nhàng nhưng trầm hùng, dũng mãnh: Bồ tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu, bát nhã ba la mật, tức diệu pháp trí độ, bỗng soi thấy năm uẩn, đều không có tự tánh, thực chứng điều ấy xong, ngài vượt thoát tất cả, mọi khổ đau ách nạn.
Xá Lợi Tử nghe đây, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, còn lại bốn uẩn kia cũng đều như vậy cả.
Hình như các em sinh viên Phật tử trong ghe đều tụng lớn với tôi. Tiếng tụng kinh cả đoàn mười mấy người thật trầm hùng, dũng mãnh và bỗng nhiên chúng tôi không còn sợ hãi gì cả. Tiếng súng đã im bặt từ lúc nào.
Trời cũng vừa hửng sang. Chúng tôi chống ghe đi lên vài trăm thước thì có tiếng gọi cầu cứu. Dừng ghe, chúng tôi bước lên bờ, thật là một cảnh đứt ruột nát gan, mươi căn nhà cháy vừa rụi, nhiều người máu me đầy mình nằm im, thân nhân vái chúng tôi như lạy Phật cầu cứu. Trong chúng tôi không có ai là y tá hay bác sĩ, chúng tôi chỉ định đi cứu đói thôi, thuốc men để trị tiêu chảy, kiết lỵ, sốt rét thì có nhiều, nhưng thuốc trị thương vì bom đạn thì chỉ có một ít thuốc đỏ và thuốc bột rắc sát trùng, vài cuộn băng. Các em khác đi phát gạo và thực phẩm cho đồng bào trong khi tôi và Tuấn băng bó hai người bị thương nặng. Chúng tôi hứa sẽ chở họ về tỉnh mà cứu. Tôi đi theo các em tiếp tục đến từng nhà, những nhà chưa cháy hay đã cháy chúng tôi an ủi bằng cách phát gạo, xì dầu, dầu ăn, đậu nành, đậu xanh. Bỗng xuất hiện phía sau chòi, một phụ nữ ôm đứa bé máu me đầy mình, mặt mày xanh lét, người mẹ trẻ ấy ôm cháu và đến gần tôi trao cháu cho tôi và chắp tay lạy tôi lia lịa như lạy Trời, lạy Phật. Tôi đưa tay đỡ cháu vào lòng mà cũng không biết làm gì để cứu cháu. Tuyệt vọng tràn ngập tận xương tủy tôi. Tôi muốn khóc mà cũng không khóc được thành nước mắt. Rồi cháu bỗng nấc lên một tiếng như nấc cục. Tôi đưa tay lên mũi cháu, cháu đã hết thở! Đầu tôi nhức như búa bổ, tim tôi trĩu nặng và tôi có cảm tưởng là tôi khổ hơn chính bà mẹ của cháu nữa. Có lẽ mặt tôi cũng xanh dờn như mặt bà mẹ trẻ nên các em đã dìu tôi trở lại ghe.
Sau này khi có dịp theo thầy đi kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, một hôm nọ ngồi bên một số bạn Hòa Lan, nhìn lên đài truyền hình có cảnh môt người cha ôm đứa con máu me bê bết. Các bạn cũng thương tâm nhưng sau đó thì lại tính chuyện này chuyện nọ như vừa xem phim kiếm hiệp. Trong khi đó thì tôi ngồi im như pho tượng, như có dao đâm vào tim. Và tôi hiểu có thể chiến tranh Việt Nam sẽ còn lâu lắm mới chấm dứt. Khi nào mọi người trên thế giới có dịp ôm một đứa bé – dù không phải là con mình – máu me đầy mình mà biết là không thế nào mình cứu được nó, khi nào mà tất cả những người xem truyền hình trên thế giới,o có dịp ôm vào tay một đứa bé máu me như tôi và biết là nó sẽ chết, thấy được mẹ nó xanh như tàu lá, lạy mình như lạy Chúa lạy Phật để cứu đứa con thân yêu của họ mà mình hoàn toàn bất lực, không làm cách gì để cứu sống được mạng bé thì chiến tranh Việt Nam mới hy vọng có nhiều người hiểu và thương và hết lòng muốn chấm dứt.
Ruột Đau Chín Khúc
(Thơ Thầy Nhất Hạnh)
1.
Tôi đến đây cùng khóc với các anh các chị.
Xứ sở ta đau thương và cảnh tình ta bi đát.
Bàn tay tôi đây xin các anh nắm lấy, xin các em nắm lấy,
Tôi muốn được nói cùng các anh và các chị: dù sao thì chúng ta cũng phải can đảm để mà lo lắng cho trẻ thơ, cho ngày mai.
2.
Đã một tháng rưỡi trời sau khi nước rút, em tôi nhận được của cứu trợ hai lần, một lần chưa đầy lon gạo.
Ba ngày mới có một bữa cơm. Chiều nay tới thăm em, tôi được em cho biết tối nay em phải ăn đọt cau và bắp thối
Thương thay cho em tôi
(Và cho biết bao chiếc đầu xanh vô tội
Một đàn trẻ con da vàng mặt bủng)
Đi kiết từ hơn một tuần nay, không thuốc không men.
Nước cuốn mất mẹ em rồi, nước cuốn mất cả cha em, nước cuốn mất cả em em nữa
Trên chiếc đầu thơ ngây, khăn tang không có
Nhưng nắng chiều vàng vọt trên cánh đồng tan hoang xác xơ khốn khổ
Đã là chiếc khăn tang phủ trọn tâm hồn tôi.
3.
Hãy tới đây mà chứng kiến cảnh những người thương của tôi trong trận bão lụt Giáp Thìn.
Đến để ẵm trong tay em bé xanh xao đã rủi ro còn sống.
Để thấy người cha trẻ sau khi tìm biết rằng vợ và bốn con đã chết, trong ba ngày ba đêm đã ngồi yên nhìn vào khoảng không, và thỉnh thoảng cười lên sằng sặc.
Ở xa xăm anh có nghe thấy tiếng cười ấy không?
Hãy đến đây để thấy cụ già râu bạc, sau những ngày cô đơn tuyệt đối trên mảnh đất hoang, đã quỳ xuống đỡ lấy nắm cơm cứu trợ trên tay một em thiếu nhi ngơ ngác.
Cụ đã quỳ trước tình thương, trong khi em bé khóc
“Cụ ơi, con chỉ bằng cháu của cụ mà thôi”
Nhưng dù sao thông điệp tình thương đã tới nơi rồi
Tôi có quyền đặt lòng tin nơi ngày mai nhân loại.
4.
Chồng chị đã mất rồi, con chị đã mất rồi,
Vườn dâu tan nát
Bếp lửa làm sao nhóm lại, mảnh đất nghèo ơi?
Trời cho, rồi trời lấy lại,
Tôi sợ chị tôi chiều nay không còn kiên nhẫn,
Mà mở miệng ra, nguyền rủa hiện sinh mình.
Tôi khóc khi nghe chị nói rằng:
“Tuy một phút khó khăn
Mà khỏe thay những gia đình chết trọn”.
Nhưng hôm nay còn tôi, còn anh, còn bạn
Ta chung lưng gánh đầy hiện hữu trên hai vai
Hãy nương vào nhau, và gắng đừng bật lên tiếng khóc; con đường còn dài,
Vì thế hệ tương lai, hãy cúi đầu đi tới.
5.
Người nông dân ngửng đầu lên khi nghe lời tôi hỏi
Và chua xót trả lời, không e dè, ngần ngại:
ỀTôi ghét cả hai bên
Tôi không theo quốc gia
Tôi không theo giải phóng
Tôi chỉ theo người cho tôi sự sốngỂ
Cuộc tồn sinh! Ôi tủi nhục không chừng!
6.
Trên thượng lưu sông Thu Bồn
Đứng giữa dòng
Tôi cắt đầu ngón tay cho giọt máu đào rơi, hòa tan vào dòng nước
Máu tôi đã được hòa với dòng sông
Thôi hãy nằm im
Tất cả những ai đã vong thân oan ức!
Còn những người sống, và còn dòng sông đây –
Nghe tiếng trẻ thơ từ muôn trùng đồng vọng
Tôi đã trở về giữa những thành núi cao
Để đêm nay nhìn đỉnh núi nghiêng đầu nghe
dòng sông kể chuyện
Chúng tôi còn đây, trong cuộc đời hằng chuyển sẽ xin đứng bên nhau mà dựng lại quê hương
7.
Có những Trì Địa tay còn lấm mực nhà trường
Xẻng cuốc trên tay
Đào đất bắc cầu
Cúi xuống vừa khóc vừa chôn những thây người sình thối
Có những bóng hình Quan Thế Âm, với vừng trán ngây thơ vô tội
Áo nâu
Chân đất
Nón lá che đầu
Lặng lẽ đặt từng bước chân non trên vùng đá sạn thương đau
Chui vào những túp lều con mới dựng
Bất chấp hiểm nguy “quốc gia, việt cộng”
Tìm tới
Những người thoi thóp
Đang ngửa cổ chờ trông
8.
Tôi đã thấy rồi bàn tay các em
Tuy bé nhỏ, nhưng hiền như tơ trời Đâu La Miên thuở trước
Vừa đưa ra để ẵm lấy trẻ thơ
Thì đứa bé bỗng nhiên lặng thinh, nín khóc
Và mắt người mẹ khốn khổ sáng lên như hai viên bích ngọc
Khi nhìn hộp sữa đã được từ nghìn trùng sông nước đem đến cho con
9.
Tôi ngồi đây, trước cánh cửa thiên đường
Đương khép chặt
Tôi cúi đầu mong đợi
Nơi vườn cũ chắc hương cau còn nhẹ tỏa
Nhưng các em sao lặng lẽ chiều nay
Hãy cất tiếng lên, trên mảnh đất đau thương này
Cất tiếng lên, cho chim xanh ngàn nơi bay về quy tụ
Cho nước non này mãi còn cẩm tú
Nói lên đi em
Hiện hữu sẽ bừng sinh sau ngôn thuyết nhiệm mầu.
theo LàngMai.org
Comments
Post a Comment