Chương 5: Cuộc đấu tranh bất bạo động chống độc tài

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không


Chương 5: Đoàn Sinh Viên Phật Tử  và cuộc đấu tranh bất bạo động chống độc tài

 

Đoàn Sinh Viên Phật Tử Việt Nam đầu tiên tại Sài Gòn

Thầy đi rồi chúng tôi cũng có ý định theo học giáo lý với thầy Quảng Liên tại chùa Ấn Quang. Nhưng do dự bàn tính xong thì không hăng say lắm. Lý do là vì thấy có một sự khác biệt giữa thầy Quảng Liên và thầy Nhất Hạnh. Ngày xưa, tới giờ pháp đàm, chúng tôi mỗi đứa một ý, ý nào cũng có lý, cũng hay (!) theo hướng thấy của mình, nhưng mười ba đứa thì mười ba ý. Tới khi thầy Nhất Hạnh nói, vì thầy lắng nghe rất kỹ và rất sâu ý của từng người nên khi đưa ý thầy ra thì ý thầy bao trùm từng mảnh tuệ giác của ý mỗi chúng tôi, mỗi đứa mỗi khác. Xong thầy cộng thêm cái thấy thâm sâu của thầy trùm lên trên, nên ai cũng thỏa mãn. Nhưng khi học với thầy Quảng Liên thì khi nghe xong ý chúng tôi, thầy cho thêm ý của thầy và không đứa nào đồng ý với thầy hết. Vì ý của thầy chỉ là một ý thứ 14 khác với 13 ý của 13 đứa chúng tôi. Ý thầy không vượt lên trên nên chúng tôi không hài lòng, không nghe theo. Có khi thầy giận. Rồi chúng tôi lẳng lặng rút lui và không xin theo học với thầy nữa. Khi thầy Nhất Hạnh còn ở nhà thì thầy tưởng thầy Nhất Hạnh xúi chúng tôi cứng đầu, nhưng thầy Nhất Hạnh đã đi thì chúng tôi cũng không còn dịp học với thầy nữa. Rồi khi thầy Thiện Minh từ Huế vào Sài Gòn (lúc này thầy Nhất Hạnh đã ở Princeton, Hoa Kỳ) bảo phải lập ngay Đoàn Sinh Viên Phật Tử thì thầy Quảng Liên rất đồng ý với chúng tôi là phải học giáo lý cho vững trước đã rồi hãy mở rộng ra. Nhưng rồi chiều ý các thầy lớn nên cuối cùng chúng tôi lập ngay Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đầu năm 1962. Khi mở lớn chúng tôi mới thấy là sinh viên theo đạo Phật khá đông ở Sài Gòn và làm như thế chúng tôi có dịp làm lớn những hoạt động phụng sự của chúng tôi hơn. Nhờ thế mà 13 cây tùng trở thành một trăm cây rồi ba trăm cây tức là ba trăm đoàn sinh Đoàn Sinh Viên Phật Tử. Lúc đó tôi có bạn mới là Lê Khắc Phương Thảo, Nguyễn Thị Trà Mi, Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng, Lê Hữu Bôi, Tôn Thất Tuệ, Trương Văn Niên, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – người đẹp của Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn, Nguyễn Thị Bích (Đà Lạt), chị Thanh Cam, Phạm Thúy Uyên, Phạm Thị Thục, Phạm Mạnh Hương…

Bảy mươi người bạn lo cho các xóm nghèo

Công tác ở xóm nghèo của tôi trước đó có trên dưới hai mươi người, sau này nhờ được thầy khuyến khích và tác động chúng tôi đã lập thành một nhóm lớn hơn, nhưng khi có Đoàn Sinh Viên Phật tử mà tôi là Trưởng Ban Từ Thiện Xã Hội thì chúng tôi có được 70 người đi vào các xóm nghèo của thành phố Sài Gòn làm việc rất có phương pháp. Ngày xưa chúng tôi chỉ làm việc ở xóm Mả Lạng thôi nhưng bây giờ có các bạn, tôi đã chia ra làm năm nhóm đi vào năm xóm ổ chuột của thành phố: xóm Mả Lạng sau rạp hát Quốc Thanh, xóm Bàn Cờ, xóm Cầu Bông, xóm Chợ Ông Tạ và xóm gần chợ Bà Chiểu. Phùng Thăng, Trà Mi và Ngọc Thanh… đều là những nữ kiệt trong Ban Từ Thiện của chúng tôi nên mỗi người chăm sóc nguyên một xóm cùng với các bạn khác.

Mỗi tháng một lần, chúng tôi tổ chức để mỗi sinh viên bạn chúng tôi có dịp đưa một cháu thiếu nhi nghèo đi Sở Thú, đi ăn kem, đi xem xi nê và đi ăn mì, hủ tiếu ở các hiệu ăn bình dân mà chưa cháu nào có diễm phúc được vào. Sau khi cấp học bổng bằng 15 ký gạo cho gia đình mỗi cháu, các bạn đặc trách xóm nào còn phải chạy lo làm giấy khai sinh cho từng cháu thì mới ghi tên cho các cháu vào trường học gần nhà được. Đối với chúng tôi thì việc này thật dễ dàng, chỉ cần ra phường làm đơn xin lập thế vì khai sinh cho các cháu vì hồi sinh cháu ra bố mẹ không đi làm khai sinh. Phường sẽ gửi lên quận, rồi quận gửi lên tòa án. Một thời gian sau, tòa án sẽ mời ba mẹ các cháu đến, và hai người chứng lên tuyên thệ là cháu đã sinh đúng ngày đó và có hai người làm nhân chứng. Thế là xong. Nhưng đối với dân nghèo làm như thế quá rắc rối và khó khăn. Ở xóm Mả Lạng tôi tổ chức cho bốn bà có con mọn, giữ con dùm cho nhau để ba bà kia đi buôn bán, và cứ như thế vần công ba ngày bán một ngày nghỉ giữ con cho nhau, đi bán tới chiều mới đón con về.

Mỗi bạn chăm sóc xóm của mình như là lo cho chính gia đình mình, đưa chị này đi bệnh viện, đưa cháu kia đi chữa mắt, tìm nghề buôn bán dạo, như tôi đang làm cho xóm Mả Lạng cho những người thất nghiệp ngồi không cờ bạc, nhậu nhẹt, móc túi hay làm những việc tiêu cực khác. Ở xóm Bàn Cờ, Phùng Thăng và Trà Mi mở lớp dạy đêm cho trẻ em lớn, suốt ngày phải đi bán dạo hay đánh giày để nuôi gia đình. Xóm Cầu Bông của em Thanh thì có rất nhiều người bị lao phổi, chúng tôi vào ra bệnh viện Hồng Bàng của người lao hoài. Nhờ có học chung với các bạn Y Khoa hồi năm thứ nhất PBC (Physique, Biologie, Chimie), lớp này học chung Sciences Naturelles, Physiques et Chimiques với tôi, nên khi chở bệnh nhân đi tới bệnh viện nào, chúng tôi đều có các bạn đang học y khoa giúp.

Khơi màu kỳ thị

Một ngày tháng Tư năm 1963 một người phụ tá của bà Ngô Đình Nhu lên phòng làm việc của tôi tại Đại Học Khoa Học và mời tôi vào đảng Phụ Nữ Cộng Hòa. Họ hứa khi tôi trở thành đảng viên thì họ sẽ đưa tôi lên làm trưởng ngành Phụ Nữ Cộng Hòa vùng Sài Gòn Gia Định. Ông Nhu là em ruột Tổng Thống Ngô Đình Diệm đương thời, ông bà Nhu lập ra đảng Thanh Niên và Phụ Nữ Cộng Hòa như là một đảng thuộc chính quyền và họ mời hết những nhân viên năng nổ của chính phủ vào đảng ấy. Tôi từ chối, nói rằng vì công việc lo cho Đoàn Sinh Viên Phật Tử và lo cho năm xóm nghèo của chúng tôi đã lấy hết giờ của tôi rồi. Đoàn Sinh Viên Phật Tử lúc này làm việc giỏi lắm. Có nhóm chỉ lo về hội thảo do anh Lê Hữu Bôi làm trưởng nhóm. Nhóm tu học và pháp đàm giáo lý do anh Huệ Dương làm trưởng nhóm. Nhóm báo chí có ra tờ Tin Tưởng như là tiếng nói của đoàn do anh Lê Hữu Bôi làm chủ bút. Khi nghe tôi từ chối "ân huệ " như thế của bà Ngô Đình Nhu, bà liên lạc viên có nói: Sự từ chối của cô có thể bị xem như là một thách thức với bà "cố " (ông bà Ngô Đình Nhu có tên là ông bà Cố Vấn cho tổng thống, thiên hạ gọi là "ông Cố Cố "), một thái độ chống đối chính quyền đương thời. Xin cô suy nghĩ lại. Bà ấy có đưa cho tôi tấm danh thiếp và căn dặn tôi liên lạc khi đổi ý chịu hợp tác. Ở Đại Học Khoa Học nơi tôi làm giảng nghiệm viên ai cũng biết tôi dấn thân vào các xóm nghèo và câu chuyện với người phụ tá bà Ngô Đình Nhu. Có người nói: "Cô mà làm việc cho người nghèo là đã bị xem như là "thân cộng" rồi, nay mà cô từ chối vào Phụ Nữ Cộng Hòa là nguy hiểm cho cô lắm đấy". Tôi vẫn mỉm cười im lặng và không bao giờ gọi cho bà ấy cả.

Tôi có báo cáo lại chuyện đó cho các bạn biết trong buổi họp Đoàn thì mới biết ra là trên cùng khắp đất nước, những người Phật tử đã quá bực vì sự đàn áp ngấm ngầm của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ai xứng đáng làm trưởng ty, hay giám đốc một chương trình, một bộ trưởng đều phải đi rửa tội, vô đạo Chúa thì mới được lên chức đó được. Nghe nói ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kontum, Ban Mê Thuột, Quảng Ngãi, Quảng Nam, sự đàn áp âm thầm thương tâm lắm. Không theo đạo là bị kết tội cộng sản. Bao nhiêu Phật tử đã chết oan, thà trốn nhà vào chiến khu còn hơn là ở lại mà không theo đạo Chúa thì bị vào tù.

Sau này, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, người ta mời dân chúng đến xem nhiều hầm bí mật ở Phú Yên, ở Quảng Ngãi, mà các vị tỉnh trưởng hay quận trưởng Công giáo cho đào dưới đất để nhốt những người Phật tử không theo đạo Chúa nhưng cũng không phải là Cộng Sản nên không có cớ đem ra xử trị họ. Các bạn đi xem cho biết, có những hầm trên vách có viết những dòng chữ viết bằng máu "Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm" rất thương tâm.

Chùa Lá Vằng hay nhà thờ La Vang?

Ở Quảng Trị, huyện Cam Lộ, từ thế kỷ trước đã có những xuất hiện linh thiêng của một người phụ nữ mặc áo trắng cứu một cháu bé trai rơi xuống giếng mà không chết chìm cho tới khi người làng tới cứu kịp. Cháu nói thấy một người phụ nữ giống như hình Phật Quan Âm trên bàn thờ, kéo cháu lên khi cháu ngộp. Cuối cùng cháu víu được một khối đá bên vách giếng chờ người tới cứu. Một thôn với mấy mươi nóc nhà sát bên giếng bị một cơn trốt nổi lên nhưng có một phụ nữ mặc áo trắng đi qua đi lại rồi cơn cuồng phong bị đưa ra đồng cuốn một cái chòi bỏ trống lên không. Riêng mấy mươi căn nhà sát bên cơn cuồng phong vẫn bình yên. Dân trong thôn quyết định lập nên ngôi chùa có tên là chùa Lá Vằng. Chùa đã hiện diện cả trăm năm, bỗng nhiên anh của tổng thống là Ngô Đình Thục nói người phụ nữ mặc áo trắng là Đức Mẹ Đồng Trinh, mẹ chúa Giê Su, và ra lệnh lập nơi đó làm nơi thánh địa và sẽ xây thành Vương Cung Thánh Đường La Vang. Khi xây nhà thờ La Vang, các công nhân viên nhà nước đều được "mời" đóng góp. Ngay tại Trường Đại Học Khoa Học, khi tôi đi lãnh lương, anh kế toán viên có đưa sổ xin tiền đóng góp cho nhà thờ La Vang. Tôi từ chối nhưng tôi biết ở các vùng xa, với một giám đốc là người mới vào đạo Thiên chúa để lên chức, nếu nhân viên từ chối đóng tiền xây cất theo lệnh rất cao bên trên thì sẽ không dễ cho họ!

Cờ Phật giáo bị cấm treo trong ngày Phật Đản. Tám thiếu niên Phật tử bị xe tăng cán chết

Một tuần lễ trước Phật Đản vào tháng Năm năm 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm ban ra một sắc lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản, và ngày này không còn được xem là ngày Quốc Lễ nữa. Phật tử 12 tỉnh miền Trung rất thuần thành, tin Phật. Ngày Phật Đản ở Huế thì chợ không bao giờ bán cá thịt, các hàng quán các tiệm cơm nấu cá thịt đều đóng, chỉ có các quầy bán thức ăn chay. Ai cũng có thể đi chùa và cũng có thể ăn cơm chay tại chùa. Chùa nào cũng treo cờ vui như ngày hội lớn. Phật tử từng khuôn hội, tỉnh hội đều có xe hoa mừng Phật ra đời. Ngay cả quân nhân Phật tử vùng một chiến thuật cũng có xe hoa. Khi nghe tin cấm treo cờ, cấm mừng Phật Đản, Phật tử rất bức xúc, họ trông tới ngày Rằm để nghe thượng tọa Trí Quang dạy dỗ gì. Năm nào thượng tọa Trí Quang cũng thuyết pháp cho đồng bào trên đài phát thanh Huế. Bài thuyết pháp năm nay đã thu thanh và đưa lên đài nhưng đến sáu giờ chiều, Phật tử quy tụ quanh đài phát thanh để nghe pháp thì chỉ nghe lệnh công an cảnh sát nói trên loa là phải giải tán ngay. Đồng bào tới ngày càng đông, không ai muốn ra về. Bỗng nhiên mấy chiếc xe tăng ầm ầm tiến tới, mọi người hoảng hốt nhưng muốn chạy cũng không dễ, vì người đông nghẹt. Xe tăng tiến tới cán nát tám em oanh vũ và thiếu niên Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên. Máu chảy, tiếng người khóc. 10.000 người đi biểu tình đòi tự do tôn giáo ngay rạng ngày mồng mười tháng Năm năm 1963. Tổng thống Diệm hoàn toàn không đếm xỉa gì tới lời kêu gọi của Phật tử, trái lại còn ra lệnh bắt những "tên Cộng Sản" quấy rối an ninh quốc gia. Các thanh niên sinh viên Phật tử Thừa Thiên bị bắt rất nhiều.

Sài Gòn tỉnh dậy kêu gọi tự do tôn giáo

Sau khi thu thập những hình ảnh, tên tuổi các cháu bị cán chết, các dữ kiện do Phật tử đưa vào từ Thừa Thiên và những chứng nhân bị đàn áp ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên…, đoàn Sinh Viên Phật Tử chúng tôi quyết định gia nhập phong trào đòi hỏi bình đẳng tôn giáo của Phật tử Thừa Thiên. Quý thầy tập họp tại chùa Ấn Quang yêu cầu chính quyền thực thi năm điểm của người Phật tử. Chúng tôi đi phổ biến năm điểm đòi hỏi của Phật tử Việt Nam:

1/ Chính quyền phải thu hồi lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản.

2/ Mỗi công dân Việt Nam phải có quyền bình đẳng hưởng tự do tôn giáo như chính quyền đô hộ Pháp đã dành riêng cho người Công giáo nhất là quyền tự do tập họp. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải được hưởng quy chế tự do tôn giáo như Giáo Hội Công Giáo chứ không bị giới hạn, chỉ được xem như một hội đoàn nhỏ của các hiệp hội nhỏ thiết lập bởi dụ số 10 do người đô hộ Pháp lập ra.

3/ Phải chấm dứt sự bắt bớ người Phật tử.

4/ Người Phật tử phải có tự do thực tập những điều Phật dạy.

5/ Phải bồi thường cho những nạn nhân bị cán chết tại Huế và những kẻ giết người phải được đưa ra tòa xét xử.

Hòa thượng hội chủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc cũng gửi đến chính quyền và toàn thể tín đồ Phật giáo những điểm sau đây:

1/ Người Phật tử không bao giờ có chủ tâm muốn lật đổ chính quyền. Chúng tôi chỉ mong chính quyền thay đổi chính sách kỳ thị người Phật tử.

2/ Người Phật tử không có kẻ thù, sự đấu tranh của chúng tôi hoàn toàn không nhằm chống đối đồng bào Công giáo mà chỉ chống sự kỳ thị. Người Phật tử không bao giờ muốn chống đối các tôn giáo bạn.

3/ Người Phật tử tranh đấu cho một chính sách công bằng như là một phần của sự tranh đấu cho công bằng xã hội trên toàn cõi Việt Nam.

4/ Suốt quá trình đấu tranh, người Phật tử nguyện đi con đường bất bạo động mà đức Phật đã dạy. Vì quyết tâm đi con đường bất bạo động nên người Phật tử sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng hiểu biết và thương yêu. Chúng tôi mong rằng hành động của chúng tôi chẳng những khiến cho chính quyền đổi thay chính sách mà còn cầu mong sao cho tình thương và trí tuệ thể hiện qua hành động của chúng tôi có thể gây niềm tin và chuyển hóa tâm tư của toàn dân và cả những người đang cầm quyền.

5/ Người Phật tử nhất định không cho các thế lực chánh trị lợi dụng sự đấu tranh này.

Bản tường trình 45 trang về đàn áp Phật Giáo

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo

Báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt hoặc bị bắt buộc đăng những tin nhà nước bóp méo đưa ra

Ngày 15 tháng 05 năm 1963, phái đoàn Phật Giáo đã trao lên cho chính quyền và báo chí một Bản tường trình 45 trang về những bằng cớ đàn áp những người Phật tử có tên tuổi ghi rõ nơi nào chính quyền địa phương tỉnh đó, huyện đó, xã đó đã bắt bớ, bỏ tù oan ức những người nọ, tên họ nọ đã từ chối không theo đạo của chính quyền. Báo chí và chính quyền vẫn im lặng không trả lời, không đăng tin đàn áp; và sự bắt bớ những Phật tử tích cực, giỏi giắn vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra khắp nước.

Ngày 21 tháng 05 năm 1963, một nghìn người xuất gia đã tập họp tại Chùa Ấn Quang nhịn ăn để cầu nguyện cho các Phật tử đã bị cán chết trước đài phát thanh Huế. Hàng ngàn Phật tử cư sĩ cũng tập họp chung quanh chùa để cùng cầu nguyện. Cảnh sát của ông Ngô Đình Diệm đã dùng dây kẽm gai để ngăn đường, dùng lựu đạn cay để giải tán. Ngày 23 tháng 05, năm trăm người xuất gia khoác y vàng xuất hiện trước chợ Bến Thành đòi hỏi tự do tôn giáo và yêu cầu chính quyền trả lời những thỉnh nguyện của Phật Giáo. Lựu đạn cay, gậy gộc của cảnh sát không giải tán được họ nên công an cho mười xe bít bùng đến bắt, kéo níu thô bạo các tăng ni bỏ lên xe tải chở về chùa.

Ngày 25 tháng 05 năm 1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi và một phái đoàn của Ủy Ban xin gặp chính quyền để lắng nghe chính quyền trả lời về yêu sách của Phật tử Việt Nam. Nhà nước vẫn không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của người dân. Cuộc đấu tranh tiếp tục, sự bắt bớ tiếp tục, biểu tình đột xuất chỗ này, tuyệt thực của tăng ni chỗ kia. Báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt nên chúng tôi phải dùng hệ thống thông tin truyền miệng và phân phát những bản tin quay ronéo tại chùa Xá Lợi, thông báo cho đồng bào biết thế giới đã chú ý đến chúng ta như thế nào, cho đồng bào biết ngày nào có biểu tình ở đâu, tuyệt thực ở đâu, v.v…

Ủy Ban Liên Phái là một nhóm quý thượng tọa thật tài ba. Thượng tọa Tâm Châu nói năng mềm mỏng khéo léo, nhưng thượng tọa Thiện Minh mới thật là nhà ngoại giao đại tài, cuộc thương thuyết nào mà thầy đi thì đối phương là phó thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ luôn bị thầy khéo léo đưa đến sự hoàn toàn đồng ý tất cả những điều kiện Phật giáo yêu cầu. Nhưng sau đó thì chính quyền (nghe lời ông bà Ngô Đình Nhu) lại phủ nhận, lại nuốt lời hứa, lại làm ngược hết những điều đã thỏa thuận. Thầy Quảng Độ, rất giỏi sinh ngữ, thầy nói được tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Thái, Lào, Miên và Anh văn nên đã nghe các đài phát thanh ngoại quốc, rồi dịch ra Việt và viết xuống để cho thầy Châu Toàn quay Ronéo phân phát cho toàn quốc. Đoàn Sinh Viên Phật Tử chúng tôi làm việc sát cánh với thầy Châu Toàn vốn là văn phòng trưởng Phòng Thông Tin của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo tại chùa Xá Lợi, đem tin tức tới từng trường trung học, từng chợ, từng công sở. Anh Huệ Dương như đầu não của bọn Sinh Viên Phật Tử chúng tôi lúc ấy đã lên hơn 1000 người. Anh đi lập Thanh Niên Phật Tử tại các trường trung học, tiểu thương Phật tử tại các chợ… để tiện bề phân phát và phổ biến tin tức vào hạ tầng cơ sở, bẻ gẫy lập luận tuyên truyền bóp méo của nhà nước về phong trào Phật giáo. Chùa Xá Lợi bị bao vây, anh Huỳnh Bá Huệ Dương có chiếc máy ronéo lưu động, lấy tin từ Xá Lợi và chúng tôi về tự lắng nghe đài BBC, VOA rồi thảo tin và quay ra phân phát cùng khắp. Chúng tôi lập ngay một gia đình đặt tên anh Huệ Dương là anh Hai, tôi là chị Ba, chị Thảo là chị Tư… như mật mã để trao đổi tin tức. Nếu công an bắt được chiếc máy Ronéo thì chúng tôi đi tù rục xương nên chiếc máy cứ chuyền từ nhà này sang nhà khác khi rục rịch có tin sắp bị phát hiện. Chị Thảo rất gan dạ, can đảm sát cánh làm việc in ấn phát truyền đơn của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo cùng anh Huệ Dương nên khi hai người bị cảnh sát ông Diệm bắt, cai tù đã tra tấn thật dã man chị Thảo để bắt bí anh Huệ Dương. Họ buộc anh phải khai hết tên những anh em nào đã sát cánh với anh. Họ để điện vào âm hộ chị Thảo cho điện giựt trước mắt anh Dương, chị Thảo chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn khai là chỉ có một mình chị mà thôi, anh Dương không làm gì hết! Anh Dương cũng bị đánh hộc máu, bị treo chổng ngược đầu, bất tỉnh nhiều lần… tàn ác vô cùng. Vì ân tình đó mà sau khi ra tù và sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm đổ, anh Huệ Dương quyết định lấy chị Thảo làm vợ dù trước đó anh đã có người yêu là một người bạn khác của chúng tôi. Biết tin đó nhiều bạn trong chúng tôi ai cũng muốn "nghỉ chơi" với anh Hai Huệ Đà Lạt vì coi anh là người phụ bạc. Chỉ có mình tôi là hiểu và thương tất cả ba người! Tôi khuyên các bạn đừng trách anh Dương vì ân tình nghĩa nặng với người con gái, biết mình đang có người yêu mà vẫn yêu mình và hy sinh cho mình! Tôi với anh Huệ Dương là đồng chí, đồng minh lớn. Có khi nào tôi nhớ mình là phụ nữ đâu? Nhưng hạt giống âm nhạc nhận được từ mẹ đã khiến tôi hát nho nhỏ khi tôi họp các bạn đổ gạo và chia từng phần cho trẻ em nghèo khiến các bạn giật mình: Trời! Chị Phượng mà cũng biết hát nhạc tình Histoire d'un Amour nữa sao? Ý muốn nói tôi như con trai, như đại tướng chỉ biết chỉ huy và ra trận, đâu có biết nhạc tình như các tiểu thư. Tôi cười tủm tỉm hơi mắc cỡ vì vào chùa mà hát nhạc tình. Tại vì cái đầu tôi sao mà đầy âm nhạc, hễ để trống không suy tư là có một đoạn nhạc hiện ra khiến miệng tôi ca nho nhỏ hết bài này đến bài khác vì nghe loáng thoáng các đài phát thanh chớ không phải sống chết vì bài nhạc đó bao giờ. Công tác giúp các thiếu nhi nghèo vẫn tiếp tục, trong khi đấu tranh kịch liệt với ông Ngô Đình Diệm, nên cũng giúp được chúng tôi rất nhiều. Cứ mỗi lần bị công an chìm của ông Diệm rượt theo bắt, chúng tôi cứ chui hút vào các hẻm các xóm ổ chuột của chúng tôi thì công an không tài nào tìm ra. Nhà các cháu nghèo sẵn sàng che chở, nói láo chỉ đường sai để Công An không rượt theo chúng tôi được.

Ngọn lửa thiêng từ bi

Ngày 11 tháng 06 năm 1963, tôi mới ra khỏi nhà cậu của tôi ở đường Trần Quý Cáp, vừa tới gần ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng thì thấy nhiều áo vàng tập họp rồi chợt thấy ngọn lửa bừng cháy xa xa. Tôi chạy xe đến sát ngã tư thì thấy một nhà sư đang ngồi yên, uy nghi và bình an trong lửa đỏ thật bi hùng và đứt ruột. Thương quá là thương thầy ơi, con quỳ xuống lạy và phát nguyện sẽ không bao giờ quên ngọn lửa từ bi này và quyết tâm chỉ có thể đi theo con đường từ bi này để tranh đấu cho nhân quyền mà thôi. May mắn là một đài truyền hình đã thu được cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngồi yên trong lửa đỏ nên lúc đó toàn thế giới mới giật mình. Dù cho bà Ngô Đình Nhu có nói thô tháo là: "Bọn Phật giáo đồ đang làm thịt nướng sư sãi", thì thế giới cũng không thể để cho anh em ông Ngô Đình Diệm làm mắt ngơ tai điếc được. Lòng dân cả nước Việt Nam lúc bấy giờ thật căng thẳng, ai cũng muốn đập phá nổ tung cả quả địa cầu! Ngay hai giờ trưa ngày 16 tháng 06, ngày làm tang lễ cho Hòa Thượng, chính quyền và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo mới đi đến thỏa thuận năm điểm để chấm dứt cuộc tranh chấp. Nhà nước yêu cầu hoãn ngày tang lễ lại bốn ngày cho lòng dân êm dịu lại. Thượng tọa Tâm Giác đứng trên một chiếc ô tô chạy dài theo đoàn người đi dự tang lễ báo tin nhà nước thỏa thuận năm điểm yêu sách của Phật tử, nhưng vì nhà nước Diệm đã nhiều lần thỏa thuận rồi nuốt lời nên rất đông Phật tử không tin là thật. Ngày 20 tháng 6, sau sáu giờ thiêu, tất cả nhục thân Hòa Thượng đã ra tro nhưng thật mầu nhiệm là trái tim Hòa Thượng vẫn còn nguyên màu nâu đỏ mà không bị cháy. Lò thiêu lại bỏ trái tim vào lò 1.000 độ C, nung thêm hai giờ nữa nhưng trái tim chỉ sẫm màu hơn một chút chứ không biến thành tro. Văn phòng ông Ngô Đình Nhu lại âm thầm ra một công lệnh cho nhân viên âm thầm chuẩn bị một cuốc tấn công Phật giáo. Khi bắt được tài liệu trên, Ủy Ban Liên Phái đã công bố và yêu cầu nhà nước phải giữ lời hứa thực thi năm điểm yêu sách của Phật tử. Cùng ngày đó nhà nước Diệm cho lập một Giáo Hội Phật Giáo giả chỉ gồm những sư sãi Cổ Sơn Môn. Nhóm người này cũng cạo đầu, cũng tụng kinh cầu siêu cho người chết được, nhưng họ ăn thịt cá và có vợ mà trong nước ai cũng gọi là "thầy cúng" để đứng bên chính quyền. Với mạng lưới báo chí bóp méo sự thật, nhà nước muốn chứng tỏ cả phong trào Phật Giáo đang đấu tranh là nhóm Cộng sản giả danh Phật tử.

Cách làm việc tráo trở gian lận như thế của chính quyền Ngô Đình Diệm khiến cho lòng dân thật nản, chỉ muốn đi hết về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của chính quyền cộng sản Bắc Việt mà thôi. Một số lớn tướng lãnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa vì thấy nguy cơ đó nên đã muốn lật đổ chính quyền Diệm, nhưng họ sợ Hoa Thịnh Đốn sẽ ngưng viên trợ thì rất nguy cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa miền Nam. Miền Bắc có viện trợ của Nga và Trung Quốc nên nếu Miền Nam không còn viện trợ của Hoa Kỳ thì e Miền Nam sẽ thua ngay quân đội miền Bắc. Nhưng Tổng Thống Kennedy vẫn chưa chấp nhận buông chỗ đứng của ông Ngô Đình Diệm. Phẫn uất quá, thầy Nguyên Hương đã theo gương Hòa Thượng Quảng Đức ngồi yên trong lửa đỏ ở Phan Thiết ngày 04 tháng 08. Ni sư Diệu Quang cũng tự thiêu cùng ngày ở Nha Trang, còn thầy Thanh Tuệ hy sinh ngày 13 tháng 08 ở Huế và Đào Thị Yến Phi ở Khánh Hòa. Nhiều bạn Tây phương đã hỏi tại sao người Việt Nam dám làm hành động tự thiêu giống như là bạo động với chính mình vậy.

Tự thiêu có phải là tự sát không?

Theo cái nhìn của tôi, dựa theo tuệ giác mà tôi học được từ Bụt Thích Ca thì mạng sống của người chỉ là những biểu hiện trong một giai đoạn trên đại dương của sự sống mênh mông. Sự biểu hiện đó tùy thuộc vào những kết quả của hành động của mình, kết quả hành động của cha mẹ và tổ tiên (nghiệp báo của tổ tiên huyết thống, tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh) của mình. Mình có thể xoay chiều sự biểu hiện từ xấu thành khá hơn, đỡ hơn rồi tốt hơn nhờ bắt đầu tu sửa ngay cách tư duy, nói năng và hành động về hướng tốt đẹp hơn. Khi tình trạng chung của xã hội đi về hướng độc ác xấu xa, người học hạnh tỉnh thức sẽ gắng tạo một hành động nào có tính cách đánh mạnh vào lòng từ bi của mọi người, đánh thức mọi người tỉnh dậy trước bao nhiêu tình huống mê mờ.

Hàng ngàn tăng ni Việt Nam lúc ấy đã thực hiện chung bao nhiêu lần nhịn ăn cầu nguyện… Tại chợ Bến Thành, trước cửa chùa Xá Lợi, trên đường Bà Huyện Thanh Quan,… cả trăm tu sĩ ngồi im thở giữa đường khi đoàn binh sĩ chĩa súng vào mình. Có những thầy trong đoàn biểu tình khi bị thảy lựu đạn cay vẫn cố gắng đi đến người cảnh sát để tặng hoa cho người thảy lựu đạn cay ấy, tặng hoa cho người đang cầm gậy gộc đánh mình… Tu tập bất bạo động từng ấy, tăng ni Việt Nam vẫn chưa cảm hóa được chính quyền Ngô Đình Diệm nên Hòa Thượng Quảng Đức phải dùng hành động kêu gọi thống thiết nhất, bi thương nhất nhưng vẫn không mất bớt lòng từ bi. Thư để lại của ngài Quảng Đức không một tiếng nặng lời với những người đối xử tệ với Phật tử Việt Nam. Một mình Hòa Thượng Quảng Đức đốt lên ngọn lửa thiêng như thế chắc cũng đủ. Nhưng đối với các bạn Tây Phương chưa hiểu nhiều về văn hóa Á Đông, tôi hay giải thích một cách đơn giản hơn. Tôi nói: khi ta cần mua vật gì ta phải trả bằng một giá. Mà giá cả cao nhất mà ta có thể trả là mạng sống của chính mình. Người Việt chúng tôi thấy không phải chết là hết. Niềm tin, tình thương lớn của Hòa Thượng Quảng Đức đang bừng cháy nơi bao con tim Việt Nam và thế giới. Ngài cũng như Gandhi, vẫn còn sống, còn đang biểu hiện trong nhiều người chúng ta. Người tự thiêu đã không chết mà còn tái sinh ngay trong những người chứng kiến, hay nghe đến sự hiến tặng sự sống kia, bằng một loại năng lượng vô cùng tỉnh táo và tràn đầy thương yêu.

Bắt hơn hai nghìn tăng ni và sinh viên Phật tử

Ngày 20 tháng 08 năm 1963, lúc hai giờ sáng, cảnh sát công an đánh úp tất cả những chùa lớn vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các thành phố lớn của Việt Nam, nơi có phong trào Phật tử đấu tranh. Họ đánh úp các chùa và bắt hết tất cả những ai có mặt trong chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Từ Nghiêm, Dược Sư (Sài Gòn), Từ Đàm, Báo Quốc (Huế), Linh Sơn (Đà Lạt), v.v… Hơn 2.000 tăng ni cư trú trong các ngôi chùa lớn này bị còng tay bỏ lên xe bít bùng đưa đi đâu mất. Cùng ngày ấy, tất cả những ai có tên trong danh sách Đoàn Sinh Viên Phật Tử đều có công an đến tận nhà còng tay bắt đi. Mười hai người công an bao vây nhà tôi ở tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ năm 1962, sau khi ba tôi chết, má tôi lên Sài Gòn ở với em Mười và tôi tại nhà anh chị Tám. Khi họ đập cửa và anh Tám tôi ra đón họ thì họ cho biết cần vào đây bắt thằng Cao Ngọc Phượng gian tặc phá rối an ninh quốc gia. Anh Tám tôi nói: Ở đây không có thằng gian tặc nào tên Cao Ngọc Phương nhưng có cô Cao Ngọc Phượng, nữ giảng nghiệm viên Đại Học Khoa Học, là em vợ tôi. Tôi là Nguyễn Trung Ngôn, tổng giám đốc Nha Hàng Không Dân Sự của chính phủ, anh ruột của anh Nguyễn Trung Trương làm việc ở Bộ Nội Vụ, Trưởng Nha Thanh Tra Cảnh Sát Công An trên toàn quốc. Hai anh thanh tra công an nhìn nhau và nói nhỏ "Sếp của mình". Thế là họ đứng dậy xin lỗi chào giã từ. Khi anh Tám đưa sáu người ra cửa thì thấy bốn người khác đi ra từ bốn góc vườn nhà và hai người nhảy từ trên nóc nhà xuống. Thì ra quyết định bắt cho được gian tặc nên từng đó người họ phải chia ra, người vào nhà, người leo lên nóc, cố tóm cho được con người ghê gớm… là tôi! Chiều ngày hôm đó khi bắt các bạn tôi lên tra tấn, công an đã nói với các bạn tôi rằng chính tôi giao hết hồ sơ và điểm chỉ cho họ bắt hết các bạn. Thử tưởng tượng các bạn tôi khổ đau dường nào khi nghĩ lầm rằng chính tôi – người mà họ đặt hết niềm tin – lại phản phúc họ! Sau này nhiều bạn có thuật cho thầy Nhất Hạnh nghe về sự kiện đó và nói, họ không tin là tôi tố cáo họ nhưng có thể là các anh chị tôi đã làm điều đó. Nghe vậy tôi rất đau và chắc chắn 100% không hề có chuyện đó. Thứ nhất là anh Nguyễn Trung Trương, Trưởng Nha Thanh Tra Bộ Nội Vụ chưa bao giờ tới nhà anh chị Tám tôi chơi và không hề biết tôi rất năng nổ trong phong trào Phật giáo. Các anh chị khác của tôi thì hết lòng ủng hộ phong trào, cũng đi biểu tình, tuyệt thực cầu nguyện và tôi cũng chưa lần nào làm danh sách các bạn trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử dù là để làm tài liệu.

Sáng đó vừa nghe tin quý thầy ở chùa Xá Lợi và Ấn Quang bị bắt mà còn nghe tiếp tất cả các bạn tôi đều vào tù, tôi điên tiết chỉ muốn tự thiêu như ngài Quảng Đức, chỉ muốn la hét hay đi vào tù như các bạn. Trưa đó vào trường đại học tôi thưa với giáo sư Phạm Hoàng Hộ là tôi chỉ muốn xé bỏ hết công trình nghiên cứu về rong nước ngọt của tôi, chỉ muốn tự thiêu hay đi vào tù thôi. Giáo sư Hộ là một khoa học gia mẫu mực, suốt ngày giáo sư chỉ vùi đầu vào nghiên cứu. Nhưng giáo sư ngồi lắng nghe tôi vừa nói vừa khóc xong thì giáo sư tự ngồi xuống thảo một thỉnh nguyện thư yêu cầu chánh quyền ngưng đàn áp tôn giáo và chính giáo sư là người ký tên đầu tiên vào danh sách. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là một khoa học gia lớn thuần túy ưu tư về khoa học nên chữ ký của người rất có giá trị. Trong một buổi sáng tôi đã xin được 79 chữ ký của thành phần giảng huấn các đại học. Ngày 21 tháng 08 năm 1963 chúng tôi đã họp báo công bố danh sách này rồi gửi ngay cho chính quyền Ngô Đình Diệm và sẵn sàng vào tù ngồi khi cần. Cùng ngày này, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao chính phủ Ngô Đình Diệm là ông Vũ Văn Mẫu đã cạo đầu, đệ đơn từ chức và đứng ra họp báo tố cáo sự dã man của chính quyền Diệm.

Phong trào thanh niên và học sinh các trường trung học tranh đấu cho tự do tín ngưỡng

Vì các vị xuất gia đã bị bắt và những vị lãnh đạo tinh thần của sinh viên cũng bị bắt nên học sinh các trường trung học và thanh niên các chợ, các công sở quyết định đứng ra tranh đấu. Ngày 25 tháng 08 năm 1963 hàng ngàn học sinh Phật tử các trường trung học Trưng Vương, Chu Văn An, và các trường tư thục tập họp tại chợ Bến Thành để biểu tình đòi tự do tôn giáo. Cảnh sát đã nổ súng vào đoàn người trẻ biểu tình, nhiều em bị thương và một nữ sinh trường Trưng Vương mười sáu tuổi tên Quách Thị Trang đã chết ngay tại công trường chợ. Thù hận và phẫn uất ngút ngàn, nhiều thanh niên, dù gia đình đã từng là nạn nhân của cộng sản từ miền Bắc vào cũng phải giã từ bạn bè đi vào chiến khu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thôi.

Ngày 09 tháng 09 năm 1963, sinh viên, học sinh lại đổ xuống đường biểu tình đòi tự do tín ngưỡng nữa khi vừa hay tin nữ sinh Mai Tuyết An ngã quỵ tại cổng chùa Xá Lợi vì cô bé tự lấy búa chặt nguyên bàn tay của cô để cúng dường tổng thống Ngô Đình Diệm và ông bà Ngô Đình Nhu, cầu mong họ tỉnh dậy, đừng làm khổ dân lành nữa.

Khi hay tin Mai Tuyết An chặt tay, giáo sư Phạm Hoàng Hộ nhìn tôi thật buồn và hỏi: Cô Phượng có muốn đi Pháp để hoàn tất luận án của cô không? Tôi sẽ lo giấy tờ giới thiệu cô như nhân viên của nhà nước (trường đại học) để đi công tác khoa học, giấy tờ sẽ đi rất nhanh, đi ngả ngoại giao, không qua đường bộ Nội Vụ thông thường. Qua đấy tôi sẽ gửi gắm cô cho giáo sư Bourrelly vốn là chuyên viên rong nước ngọt để tiếp tục hướng dẫn cô và cả giáo sư đỡ đầu luận án tiến sĩ của tôi là giáo sư Feldmann để chánh thức đỡ đầu luận án luôn cho cô. Tôi im lặng xin chờ vài ngày để suy nghĩ lại. Vài giờ sau tôi đã có ý mới, vì không còn làm gì ở đây được để tranh đấu cho quyền làm người Phật tử nữa, chi bằng tôi đi Pháp để họp báo nói rõ những gì xảy ra ở Việt Nam cho thế giới biết và làm áp lực với chánh quyền Ngô Đình Diệm. Tuy tôi không tự thiêu nhưng tôi cũng sẽ làm một hành động rất xúc động lòng người: tôi sẽ cạo mái tóc đen dài óng mượt của tôi mà gửi tặng tổng thống Diệm cầu xin ông nghe được tiếng nói đau thương của dân tộc mà sống cho xứng đáng với kỳ vọng của toàn dân. Nghĩ đến đây tôi có nhiều hy vọng và quyết định trở vào xin giáo sư Hộ cho phép tôi được đi Pháp trình luận án. Nghe tin này và nghe ý định của tôi, mẹ tôi phát tâm đan ngay cho tôi chiếc mũ len để che đầu trong cơn gió rét mùa đông Paris.

Giáo Hội Phật Giáo giả hiệu

Ngày tôi sắp ra đi chợt nghe nhiều Phật tử điên lên vì giận khi hay tin nhà nước Ngô Ðình Diệm lập ra một Giáo Hội Phật Giáo giả hiệu, quy tụ các ông thầy cúng thuộc Phái Cổ Sơn Môn không biết kinh điển, không biết những điều Phật dạy gì hết, cũng có vợ, cũng ăn thịt cá như mọi người cư sĩ. Song song với việc đó, lại nghe nhà nước thuyết phục được thầy Thích Thiện Hòa là vị thầy rất đạo cao đức trọng, người đứng ra bảo lãnh cho 2.000 tăng ni mới bị nhà nước hốt, bỏ tù và tra tấn, những người được xem là cốt cán… Sự phẫn uất càng cao chừng nào thì thanh niên Phật tử lại càng có ý ngả theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chừng ấy. Nhiều thanh niên sinh viên trong đường đại học tôi dạy đã đến chào tôi đi vào chiến khu. Em đi cứu nước khỏi chế độ độc tài này trước, rồi sau này sẽ giải quyết chuyện chống cộng sau.

Thầy Nhất Hạnh nhịn ăn và cầu nguyện tại Liên Hiệp Quốc

Trong thời gian này, thầy Nhất Hạnh đang ở Hoa Kỳ, thầy nhận được tập tài liệu 45 trang về sự vi phạm nhân quyền do Giáo Hội gửi qua. Thầy đã dịch ra tiếng Anh, lập 111 tập hồ sơ để gửi cho 111 thành viên LHQ và đã trình lên Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu cứu xét gấp. Để được sự chú tâm của Hội Đồng LHQ, thầy đã nhịn ăn cầu nguyện cho Việt Nam tại một ngôi chùa gần đấy và có mời báo chí tới nói chuyện. Thầy cũng đã đi gặp riêng một số nhân vật quan trọng trong Hội Đồng LHQ để nói chuyện riêng, yêu cầu họ đưa ra bàn cãi gấp trong Hội Đồng.

Tôi đến Paris

Tôi đến Paris ngày 24 tháng 10 năm 1963. Tôi gặp được một số bạn Phật tử hứa sẽ cùng tổ chức cho tôi cuộc họp báo nói về sự vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam vào ngày 04 tháng 11 năm 1963, và cắt mái tóc dài của tôi mà tặng cho ông Ngô Đình Diệm. Tuy ở Pháp nhưng tôi vẫn giữ chiếc áo dài Việt Nam, vẫn giữ mái tóc dài nên có thể khi họp báo, cắt mái tóc dài cũng đánh động được dư luận.

Ngày 01 tháng 11 năm 1963, chỉ bốn ngày trước ngày tôi định họp báo, thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảo chính được chính quyền Ngô Đình Diệm. Nghe nói hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị một sĩ quan được lệnh lái xe cho hai anh em nhà Ngô đi trốn, đã quay súng lại bắn chết hai vị này ngay trên xe. Tôi đến nhà thờ quận Latin Paris để dự lễ cầu hồn cho hai ông. Lòng tôi bình an không một chút oán thù. Tôi thương cho hai người là nạn nhân của cái thấy sai lầm về đất nước và dân tộc Việt Nam, bị cái nhìn sai lệch kia đưa họ đi quá xa trên con đường tội lỗi. Thảm kịch nhà Ngô Đình Diệm đã qua nhưng bài học đau thương còn đó cho những vị lãnh đạo hàng triệu người dân Việt. Ta phải rất khiêm cung về cái thấy của mình về tình trạng đất nước, về văn hóa, về lịch sử và về tín ngưỡng của toàn dân. Phải lắng nghe, phải quán chiếu lại thường xuyên cách hành xử của mình, phải hỏi thăm thường xuyên xem cách hành xử của mình có đúng tâm tư nguyện vọng của đại đa số không.

Sau này tài liệu bí mật về Ngũ Giác Đài được phanh phui, và người ta đọc được những dòng như là: Ngũ Giác Đài đã ra lệnh cho tướng lãnh Việt Nam lật đổ Ngô Đình Diệm. Đó chỉ là cái thấy đứng về phía Ngũ Giác Đài. Thật ra chúng tôi được biết khi chính sách đàn áp dã man tráo trở của anh em nhà Ngô đối với Phật giáo xảy ra, nhiều người yêu nước thấy chỉ có một con đường thoát là theo cộng sản, làm cho một số tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa thấy tình trạng quá nguy kịch. Bên cộng sản thì được sự ủng hộ vũ khí của Nga và Trung Quốc, còn bên quốc gia chống cộng thì ít nhất phải có sự ủng hộ vũ khí của Hoa Kỳ, nên các tướng lãnh có lời đề nghị chính quyền Hoa Kỳ nên tiếp tục ủng hộ miền Nam nếu họ lật đổ Ngô Đình Diệm. Hoa Kỳ đã nhiều lần không đồng ý cho tới khi tình trạng quá tệ, cả thế giới đều thấy toàn dân Việt Nam quá đau khổ vì sự tàn ác của nhà họ Ngô nên mới "đồng ý" để tướng lãnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đảo chính ông Diệm. Thật ra không ai ra lệnh lật đổ ai, chính gia đình Ông Ngô Đình Diệm tự lật đổ mình bằng cái thấy hẹp hòi của chính mình, bằng cách làm việc độc tài, muốn biến một nền văn hóa dân tộc thành một nền văn hóa lai căng phương Tây.

Biết rằng chế độ độc tài đã chấm dứt, tôi hủy cuộc họp báo tặng mái tóc cho nhà họ Ngô và để hết thì giờ lo việc làm cho xong luận án rong nước ngọt của tôi. Bỗng một tối kia tôi nhận được cú điện thoại liên Đại Tây Dương do thầy Nhất Hạnh gọi sang. Khi vừa đặt chân lên đất Pháp ngày 24 tháng 10 năm 1963, tôi đã viết ngay cho thầy một bức thư thuật đầy đủ những đàn áp xảy ra mà ở Việt Nam tôi không thể viết, e bị kiểm duyệt và có thể nguy hiểm cho những người trong nước quanh tôi. Tôi cũng báo tin là tôi sẽ họp báo và cúng dường mái tóc cho nhà Ngô. Vì mới tới, chưa biết cách, tôi đã gửi thư đi Hoa Kỳ mà chỉ dán con tem dành gửi thư trong nước Pháp nên ba tuần sau thư mới tới!

Ði New York lần đầu

Câu đầu tiên mà thầy hỏi tôi: Con đã cạo mái tóc chưa? – Dạ thưa chưa! Thầy có vẻ vui và cố thuyết phục tôi đi thăm thầy một tuần thôi ở Nữu Ước. Thầy bảo thầy cần sự góp ý của tôi vì tôi đại diện cho thế hệ trẻ tin tưởng nơi thầy, quyết chí đi theo con đường làm mới Phật giáo của thầy để xây dựng đất nước dân tộc. Thầy mới được ông viện trưởng Viện Đại Học Columbia Nữu Ước Hoa Kỳ mời làm khoa trưởng Khoa Việt Học mà trong đó thầy có thể lập nhiều ban ngành như văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian… để dạy cho thế giới biết về văn minh Việt Nam. Ông viện trưởng nói rằng trong tình trạng Việt Nam hiện tại, rất khó cho những người trí thức sống đời trung thực như thầy sống sót ở đất nước đó. Ở đây, làm Phân Khoa Việt Học cho Viện Đại Học nổi tiếng này cũng là một cách phụng sự cho đất nước Việt Nam. Thầy không nói tiếp nhưng tôi cũng "nghe" được tiếng thở dài của thầy là sẽ không về vì những ông thầy tu quá thủ cựu kia cứ ngăn chặn những cố gắng của thầy và làm khó dễ với thầy trăm cách! Tôi quyết định xin nghỉ hai tuần để đi New York gặp thầy, bàn bạc kỹ về cách làm mới đạo Phật và thiết lập những cơ cấu xây nền cho một cuộc xây dựng công bằng xã hội cho Việt Nam. Mục đích chuyến đi này là nhất định thuyết phục thầy bỏ cái chương trình ở lại Hoa Kỳ lập Phân Khoa về Việt Học tại Columbia, một trong những đại học lớn nhất ở đây. Tôi chưa biết rõ tầm quan trọng của chương trình này nhưng tôi biết rất rõ là Việt Nam cần thầy. Chúng tôi, những người trẻ thao thức về tương lai Phật giáo, về sự làm mới đạo Phật để làm cái gì cấp thiết giúp cho đồng bào đau khổ Việt Nam, đang và sẽ rất cần thầy. Mặt khác thì tôi cũng quá vui vì sắp gặp lại vị thầy quý kính của tôi.

Khi đến Nữu Ước ngày 15 tháng 11 năm 1963, tôi chờ đợi sẽ tiếp tục phải ăn những món ăn Tây phương như là khoai tây tán, yaourt, fromage… như những món tôi thường dùng trong các quán cơm cho sinh viên ở Paris. Nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi bước vào appartment nơi thầy và anh Steve, một sinh viên làm luận án tiến sĩ đã chia tiền mướn ở số 306 W đường 109 trung tâm Mahattan. Không khí căn nhà thật Việt Nam với cơm trắng, với rau luộc và món đậu hũ rim mặn với nấm đông cô thật đậm đà đang chờ ba thầy trò. Suốt thời gian tôi ở Nữu Ước thầy đã dạy tôi nấu nhiều món ăn chay thật ngon và thật khéo. Thầy, Steve và tôi đêm nào cũng ngồi hát chung vài bản nhạc Pháp, Anh hay Việt. Khi Steve đi ngủ, tôi lại kể cho thầy nghe từng chi tiết những diễn trình tranh đấu bên nhà. Thầy trò thức thật khuya. Nên về hay không nên về? Ai xây dựng công bằng xã hội đây thưa thầy? Thầy sẽ thỏa chí phụng sự văn minh Việt Nam trên công trình nghiên cứu và dạy dỗ thế giới, còn tại Việt Nam ai sẽ xây dựng công bằng xã hội đây thưa thầy? Chúng con ở nhà sẽ tiếp tục tự mình đi thôi dù không có thầy, nhưng liệu chúng con có đủ tuệ giác và đủ uy tín khi không có thầy hướng dẫn không? Cuộc tranh đấu vừa qua chứng tỏ chúng con cũng không tệ lắm! Nhưng tuệ giác của thầy bằng một trăm lần tuệ giác của mấy chục đứa con nhập lại ngày xưa ở chùa Ấn Quang khi có pháp đàm thầy nhớ không? Thầy cười tươi vì thấy niềm tin của chúng tôi nơi thầy không suy giảm. Ông Ngô Đình Diệm đổ, các bạn tới tấp gửi thư khẩn khoản thầy về. Mục đích tôi đi New York cũng chỉ từng ấy nguyện vọng: Thầy phải về. Dạy văn minh Việt Nam cho thế giới làm gì? Khi mà Việt Nam ngày nay vẫn chưa đủ văn minh. Khi tôi vừa tới New York, thầy có viết tặng chúng tôi, thế hệ trẻ có niềm tin nơi thầy bài Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng. Bài này thầy dặn đem ra đọc khi làm việc nhiều quá mệt nhọc và căng thẳng. Đọc để tiếp xúc lại với những hình ảnh ngọt ngào tươi mát của bản môn rồi lại tiếp tục công tác dấn thân:

Mười năm vườn xưa xanh tốt

Hai mươi năm nắng dọi lều tranh

Mẹ tôi gọi tôi về

Bên bếp nước rửa chân

Hơ tay trên bếp lửa hồng,

Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.

 

Tôi không bao giờ khôn lớn,

Kể gì mười năm hai mươi năm ba mươi năm

Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng

Mẹ và em còn đó

Gió chiều như hơi thở

Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?

 

Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:

"Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát,

Thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh!"

Tôi đã về, có tiếng hát ca, bàn tay trên liếp cửa

Hỏi rằng: "Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?"

Gió thì thầm: em nên hát ca

Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu.

Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười

Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?

Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau

Tôi tìm em.

(Như đêm giống tố loạn cuồng

Rừng sâu đen tối

Những cành cây sờ soạng,

Đợi ánh chớp loè ngắn ngủi

Thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)

Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu

Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

 

Tôi đứng đây. Chúng ta không cần khởi hành

Quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ,

Xin đừng ai xâm phạm – tôi vẫn còn hát ca.

Đầu còn gối trên thánh kinh,

sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ

đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng

Công trình xây dựng ngàn đời

Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất.

Bánh xe nhiệm mầu chuyển hoài đưa chúng ta đi tới

Nắm lấy tay tôi em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt từ ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót

Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu

Nắng ấm mùa thu

Tôi ở đây. Chính thực là vườn xưa

Những cây ổi trái chín thơm

Những lá bàng khô thắm

Đẹp

Rụng

Còn chạy chơi la cà trên sân gạch

Tiêng hát vẳng bên sông

Những gánh rơm thơm vàng óng ả

Trăng lên quây quần trước ngõ

Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua

Tôi không ngủ mơ đâu,

Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà

Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ

Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,

Đến đây

Khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong.

Ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người?

Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp,

Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa

Em hát ca đi. Bông cúc cười theo em bên hàng dậu

Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát,

Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình

Để cho chúng tôi hát ca. Để cho chúng tôi là những đóa hoa.

Chúng tôi đang ở trong cuộc đời – mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.

Bàn tay cũng là hoa. Đừng biến bàn tay em thành dây chằng

Thành khớp rằng cưa

Thành móc sắt.

Hiện hữu không kêu gọi tình thương.

Hiện hữu không cần ai phải thương ai

Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính

Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta

Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng

Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm

Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ.

Một tuần sau khi tôi đến Nữu Ước, thầy nhận được điện tín của thầy Trí Quang viết: Nhất Hạnh phải về gấp, Phật giáo và đất nước đang cần thầy. Tôi thấy được nỗi cảm động của thầy khi cầm điện tín trong tay. Thật là vô thường! Mới hôm nào thầy khổ đau vì cấp lãnh đạo không bao giờ nâng đỡ những cố gắng của thầy trong công trình làm mới đạo Phật, nhất là thầy Trí Quang bậc trưởng thượng mà thầy trông đợi. Mấy hôm sau, một bức thư gửi qua bưu điện do chính tay thầy Trí Quang viết gửi những dòng sau đây: Nhất Hạnh nên về lo Phật sự, tôi già rồi không lo nổi trách vụ lớn lao này.

Bức thư thầy Trí Quang là giọt nước cuối, thúc đẩy thầy quyết định về thôi. Hy vọng lần này có sự yểm trợ của thầy Trí Quang, chuyện làm mới đạo Bụt sẽ hanh thông hơn.

Tôi hứa trở lại Paris trình thật sớm luận án rong nước ngọt để trả nợ ơn nghĩa với giáo sư Phạm Hoàng Hộ, sau đó sẽ về nước ngay để hợp tác cùng thầy trong công trình làm mới đạo Bụt và xây dựng công bình xã hội cho Việt Nam.

Trên đường về nước vào tháng 12, thầy ghé lại Paris cùng với chị Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, chị của Phùng Thăng. Sau này xuất gia chị trở thành ni sư Trí Hải.

Thầy có thuyết pháp cho đồng bào tại Paris và ngày 16 tháng 12 năm 1963 thầy bay về Việt Nam.

theo LàngMai.org

Comments