52 năm theo thầy học đạo và phụng sự – Hồi kí của Sư cô Chân Không
Chương 3: Khi có đường đi rồi, con trai hay con gái đều đẹp ra
Xóm Mả Lạng sau rạp hát Quốc Thanh
Từ khi thấy con đường lý tưởng, tôi đã là người con gái hạnh phúc nhất đời. Tôi có nhiều sáng kiến đi vào những khu nghèo cực nhất của Sài Gòn: Xóm Mả Lạng – nghĩa địa cũ của Pháp – sau rạp hát Quốc Thanh, xóm Bàn Cờ, xóm Cầu Bông… Tôi rủ hết các bạn gái, bạn trai quen tôi đi xin mỗi nhà một nắm gạo trước khi họ nấu cơm ăn và mỗi hai tuần chúng tôi đi từng gia đình thu số gạo đã hứa, và chủ nhật họp nhau ở Chùa Xá Lợi rồi chia nhau đi chăm sóc trẻ con nhà nghèo từng xóm. Chúng tôi đổ hàng chục bao gạo nhỏ góp nhặt suốt hai tuần ra rồi chia đều cho hơn ba mươi phần như là học bổng cho hơn ba mươi trẻ em đường phố. Tôi dạy các bạn tôi nên ăn mặc nghèo nghèo khi đi vào các xóm để người ta không tính chuyện bóc lột mình. Phải hành xử như tôi khi bước vào xóm Mả Lạng lần đầu tiên. Lần đầu tiên tôi được biết xóm này là nhờ bắt được một chú bé sắp móc túi tôi, tôi nắm chặt tay em và thay vì đưa em cho Cảnh Sát tôi dịu dàng hỏi: "Sao em làm như vậy? Em có thể bị ở tù, bị đòn đau lắm và ghê lắm, em biết không?" Em nói nếu không đem tiền về em còn bị đòn nhiều hơn, và em bảo em ở trong xóm này đây. Hôm đó ba em không có nhà. Ngày hôm sau, tôi mặc áo xấu hơn, khóa xe gắn máy để ngoài cổng và đi vào như một cô học sinh nghèo. Tôi vờ hỏi có ai biết nhà chú Tư Rô đạp xích lô ở đâu không? Tôi nói chú Tư Rô là chú của tôi, chú tôi nói là có nhà ở đây! Thế rồi tôi ngồi sà xuống trên ngôi mộ bằng phẳng 1,5mét x 2mét, trên đầu là một tấm bạt rách tươm. Một thiếu phụ khoảng ba mươi hai tuổi mà cô nói đã có hai con rồi, đang ngủ trưa, ngồi dậy tiếp tôi. Tôi hỏi thăm về ba các cháu thì cô nói ba nó bỏ tôi rồi. Tôi hỏi chị làm nghề gì nuôi thân thì chị nói "mượn hàng xóm để mua cơm ăn nhưng nợ này lãi rất cao, tôi hy vọng hôm nào ông ấy về thấy vợ con như thế thì cho tiền để tôi trả lại người ta! Tôi đề nghị chị đi bán bánh cuốn thì tôi sẽ tìm cách mượn vốn dùm chị. Tôi hỏi hai đứa nhỏ đâu thì chị nói thằng lớn đi bán báo và đánh giày, chị phải giữ con nên không đi làm được. Cháu nhỏ mới 3 tuổi. Thật ra chị đang ngủ trưa, đứa nhỏ đã bò xuống đất, đó là một con đường nhầy nhụa dơ không thể tưởng. Tất cả xóm này gồm hơn một trăm cái mả nằm san sát nhau, chia cách bởi một số đường đất nhầy nhụa nhớp nhúa, đầy rong rêu xanh. Để không bị nhớp chân, người ta thảy trên những đường nhỏ độ 80 cm bề ngang đó một vỏ xe hơi cũ, vài cục gạch chồng lên nhau để thiên hạ có thể bước lên trên đó mà đi. Vậy mà đứa bé vẫn chơi được với nước bùn nhớp nhúa ấy, chị vẫn tỉnh bơ và ôm đầu nói chị bị nhức đầu hoài không đi làm gì được, chị cũng than đau bụng. Tôi đề nghị chở chị đi bác sĩ ở bệnh viện Bình Dân sẽ không tốn tiền. Được biết hai ba người thiếu phụ ở gần đó cũng có con còn nhỏ không đi làm việc được, tôi đề nghị một bà giữ bốn đứa nhỏ, để ba bà kia đi làm việc và cứ thay phiên nhau mà giữ con và đi làm. Tôi nói: "Chị nào không vốn em đi mượn giúp, nhưng nếu chị không trả là chết em, chắc họ sẽ "cạo" đầu em đó chị". Thế là sáng sớm tôi đưa chị Ngọ đi bệnh viện Bình Dân, tìm bác sĩ trị bệnh và tìm thuốc cho chị ấy luôn. Chiều lại, tôi đi xe thổ mộ đưa hai chị đi chợ Cầu Ông Lãnh để sắm sửa gióng gánh, nồi nấu bún măng, chị kia thì mua sắm các thứ để bán bánh cuốn chả lụa. Chị thứ ba đã có sẵn nghề bán bánh cam. Sáng hôm sau tôi tới thật sớm để đưa chị Ngọ đi đếm bánh cuốn và lấy chả lụa do chính tay tôi bỏ tiền ra. Tôi không dám giao tiền cho chị, sợ chị ấy đánh bài hay xài mất. Chị Sang cũng thế, tôi đem chị đi chợ mua các thứ chị cần cho nồi măng vịt nấu gừng, xong tôi lại chở chị đi tận nơi lấy bún tươi. Khi hai chị lên đường bán bánh cuốn và bún măng thì tôi mới đi vào Đại Học.
Trong số hơn một ngàn sinh viên năm dự bị Cử Nhân SPCN cuối năm ấy, không hiểu sao mà tôi lại đậu được hạng nhì trong số chỉ có năm người thi đậu của SPCN năm đó, bởi vì mỗi ngày của tôi là của bé Sĩ, bé Tài… Tôi phải đi nộp đơn lo làm thế vì khai sinh cho các bé. Thì giờ của tôi là cho chị Ngọ, chị Sang, anh Tuất… trong xóm Mả sau rạp Quốc Thanh. Tôi còn nhớ nét mặt anh Tuất rất "anh chị" trong xóm này. Khi tôi vào thăm thì anh đang đánh bài với mấy người nữa, tôi nghe nói anh là ba của bé Tài, chú bé móc túi mà bị tôi chụp kịp tay khi mới thò tay vào giỏ xách của tôi. Tới nhà bé Tài, sau khi thuật mọi sự, tôi đề nghị anh Tuất nên đi bán cà rem để nuôi các cháu nhỏ, còn thằng Tài cho nó đi học thì tôi sẽ gắng xin 15 ký gạo hằng tháng cho nó. Anh nói không có tiền mua thùng cách nhiệt để giữ kem cho mát thì làm sao mà đi bán được. Tôi cũng biết nếu tôi đưa tiền thì anh sẽ đánh bạc tiếp thôi ! Tôi mời anh cùng đi xe thổ mộ vào tận Chợ Lớn mua được một cái thùng vuông to, đựng cả ba chục cây cà rem. Ngày hôm sau, tôi trở lại đưa anh đi đếm cà rem cây ở hãng kem Ngọc Lan và tự tay đặt tiền cọc cho anh. Nếu ngày đó bán hơn ba chục cây thì anh có thể trở lại trả tiền bớt và đếm thêm. Chiều cùng ngày tôi ghé lại chờ lấy bớt tiền lời bán bánh cuốn của chị Ngọ, bán bún măng của chị Sang và bán cà rem của anh Tuất – tôi nói là để trả nợ cho người cho mình mượn vốn mà không lấy lời. Tôi chỉ lấy 2 đồng trong số 37 đồng hay 41 đồng tiền lời của họ chiều hôm đó. Tôi cho mỗi người một cái ống con heo (piggy bank) nhỏ để bỏ một đồng vào ống tiết kiệm. 24 đồng để làm vốn ngày hôm sau đi đếm bánh cuốn và mua chả lụa, hay đếm cà rem, v.v… 10 đồng để mua thức ăn cho cả nhà.
Gieo hạt giống từ bi trong tàng thức những người chưa hề biết cách chia sẻ cho người thiếu
Sở dĩ tôi có tiền xài thoải mái trong việc cho mượn vốn này là vì mấy tháng nay tôi mới có sáng kiến, ngoài chuyện gõ cửa những nhà quen, xin mỗi ngày hai nắm gạo trước khi họ nấu cơm, xem tôi như chim chóc vét những hạt cơm sót trong nồi của họ. Sáng kiến mới là đề nghị các bác cho tôi thêm một đồng một tháng cho người nghèo. (Một đồng là ít lắm, chỉ đủ mua một khúc bánh mì không có gì bên trong). Bác Năm tôi chẳng khi nào cho ai một xu. Bác nổi tiếng xài tiền kỹ! Tôi quyết chí gieo hạt giống từ bi nơi bác nên bắt đầu bằng cách xin một nắm gạo mỗi bữa bác nấu cơm. Bác cho ngay. Bác là người chịu khó nắm từng nắm gạo trước khi nấu, không như chị Ba On rất rộng rãi và bận rộn. Chẳng khi nào chị nhớ nắm gạo, nhưng khi thấy tôi tới nhà thì chị đi ngay vào xúc luôn ba bốn lít gạo, đổ vô bịch đem cho tôi. Tôi xin bác Năm một đồng mỗi tháng, bác chê ít, định cho tôi tới 3 đồng! Tôi không chịu, tôi chỉ lấy một đồng thôi vì tôi muốn xin anh Ba, anh Năm, chị Sáu và anh Bảy con của bác, mỗi người làm phước cho người nghèo bằng cách cho tôi mỗi người, mỗi tháng một đồng thôi. Chị nấu ăn nghe thế cũng cho tôi một đồng, anh Ba, anh Năm, chị Sáu, anh Bảy đều hoan hỷ, cả các bà hàng xóm của Bác Năm nữa. Thế là rời nhà bác Năm tôi có 9 đồng nhưng là tiền của chín tấm lòng từ bi đang tập nghĩ đến những người thiếu thốn. Cứ thế mà tôi xin, tất cả thành viên của mỗi gia đình đều cho tôi một đồng mỗi tháng, và khi tôi tới mỗi nhà thì tôi kể đủ thứ chuyện vui. Chuyện tôi tóm tay thằng bé Tài móc túi ra sao, bắt nó đưa tôi về ngôi nhà trên Mả Lạng sau rạp hát Quốc Thanh ra sao, rồi tôi rủ ba nó đi mua thùng bán cà rem ra sao. Cái cách tôi làm quen chị Ngọ, chị Sang, đề nghị họ giữ con dùm cho nhau, tôi giúp vốn và đưa họ đi chợ Cầu Muối mua thúng, nồi, thau rửa chén cho gánh bánh cuốn, gánh bún măng gừng ra sao. Ai cũng nghe say sưa và thích thú. Anh Năm Phó nói em Chín độ rày đẹp ra, dễ thương quá. Ai cũng khen tôi đẹp ra! Và có anh đại úy hải quân Thanh, bạn anh Năm hay tới nhà tôi ở, tặng tôi hải sản mỗi khi đi biển về… và một chậu hoa. Anh ấy ngồi hoài ở phòng khách nhà cậu Bảy, chẳng chịu về mà cũng không nói gì hết. Cậu Bảy thấy ông đại úy mặc quân phục đẹp quá đành phải ra tiếp khách hộ tôi vì tôi trốn trong bếp. Cuối cùng tôi phải lấy cớ đi đâu có việc anh ấy mới chịu về. Trung úy hải quân Phụng, bạn chị Diệu Minh và đại úy hải quân Thanh cứ tặng tôi hoa và hải sản như yến khô, yến sào đã vào lọ… Tôi xin các anh đừng tặng quà nữa mà cho tôi xin mỗi tháng một đồng. Và tôi lại say sưa kể chuyện ngày Phật Đản tôi rủ các bạn sinh viên cùng trường đưa các em bé các xóm nghèo của chúng tôi đi Sở Thú (Zoo) thăm thú vật và mỗi em sẽ có một người chị, người anh dễ thương sẽ đưa em đi ăn cơm tiệm ra sao. Trung úy hải quân Võ Thành Công là người con trai rất thán phục lý tưởng đạo Bụt của tôi. Anh là trung úy hải quân, nhưng khi đơn vị anh đóng ở Nha Trang thì ngày giờ rảnh anh đã (theo gương tôi – anh nói vậy) đến chùa dạy học cho các chú tiểu ở Phật Học Viện Nha Trang và làm tất cả những công tác nào Chùa nhờ và anh đã "hồi hướng công đức cho tôi" nghĩa là anh ấy nói với quý thầy rằng, anh làm vì đã thương quý một cô Phật tử rất khiêm cung và sùng kính đức Thế Tôn – cô CNP. Các chú điệu ở Chùa Hải Đức đã báo cáo với tôi rằng trung úy nói nếu làm được gì cho đạo Phật và để cho tôi vui thì anh cũng sẽ làm hết. Anh tuyên bố với Phúc, cháu rể tôi và với rất nhiều người rằng… tôi là người đẹp lý tưởng nhất đời anh, và anh lạy Phật cho một ngày nào đó… anh được cái diễm phúc cưới tôi. Tôi đã cười buồn và tự nhủ rằng: Sẽ không bao giờ tôi còn can đảm nghĩ đến chuyện bó mình vào một gia đình bé nhỏ nữa. Tôi đã lặng lẽ chia tay với Khá rồi, với người con trai hiền lành, hiếu đễ, đã hiểu tôi khá nhiều về việc học hành, về việc tôi có hiếu với ba tôi, muốn thay tôi đi học Dược cho ba tôi vui… thì làm sao tôi có thể yêu ai được nữa? Một buổi chiều thứ năm trời đẹp, Khá và tôi đã hẹn nhau từ tuần trước rằng Khá sẽ đưa tôi đi ăn một món Huế thật đặc biệt: Món dấm nuốc. Khá đợi tôi cả buổi chiều ở nhà cậu Bảy (nhà cậu ruột đã cho tôi ở nhờ) để cùng đi. Nhưng ngày hôm đó gặp chuyện quá cấp bách – tôi phải đi tìm nhà cho một cô bé lỡ có thai không dám về nhà sợ ô danh cha mẹ, cô này sắp tự tử thì có người báo tin và nhờ tôi giúp đỡ – tôi khuyên chị ráng chịu khó nuôi đứa bé sáu tháng nữa, tôi sẽ đem gạo tiền cho chị, rồi tôi sẽ tìm người nhận bé làm con nuôi khi chị sinh bé ra. Lo xong cho chị Tuyết, về tới nhà cậu, tôi mới nhớ ra là mình đã quên mất cái hẹn đi ăn dấm nuốc với Khá rồi! Mợ tôi nói Khá chờ tôi đến gần tối mới về. Tôi chỉ hối hận đã bắt Khá chờ mà không kịp báo tin sẽ vắng mặt – hồi đó nhà tư nhân chưa có điện thoại – nhưng tôi không hối hận mất buổi thưởng thức dấm nuốc, đặc sản Huế. Tuần sau, lại một chuyện cấp bách khác, tôi lại quên đến chỗ hẹn với Khá. Tuần sau nữa tôi đã ở nhà chờ Khá, nhưng chàng không còn tới thăm nữa. Hai đứa là bạn học, cùng giải chung những bài toán lý hóa, thương nhau hồi nào không hay, bốn năm, rồi chia tay lặng lẽ không một lời giã từ. Tôi không tìm cách liên lạc lại hay xin lỗi Khá vì lỡ hẹn. Tôi đã trót dấn thân với lý tưởng từ bi rồi. Có mấy lần tôi trách Khá không chia sẻ những ưu tư của tôi về bất công xã hội, về tư tưởng cách mạng thâm sâu của Phật Thích Ca, không đi chùa học đạo với tôi. Khá cười buồn: "Anh tưởng là anh đã chiều Phượng nhiều lắm rồi chứ, ngày xưa mỗi lần gặp nhau, em đâu có bắt anh nghe những thứ đó!" Khá ơi, tình yêu như một cái cây, cây tình yêu mình tăng trưởng hay héo mòn là do thức ăn có đúng phân, đúng nước, đúng chất khoáng hay không. Cây sợ nắng mà mình để phơi ngoài nắng chói chang quá cây cũng chết. Cây ưa nắng mà mình cứ giữ mãi trong nhà thì cây cũng chết thôi. Tôi thương con đường của đức Thế Tôn đã làm đẹp cuộc đời cho bao nhiêu là thế hệ. Chàng không có hứng thú gì khi nghe những gíáo lý thâm diệu đó. Tôi làm sao chôn mình trở lại trong tình yêu nhỏ hẹp kia, chỉ đưa nhau đi dưới những hàng me xanh mát, ngồi nhìn nhau và chia nhau ăn chiếc bánh nậm, bánh bột lọc, để bên ngoài ai sống chết mặc ai?
Những áng mây màu trong đời tôi ơi, những người bạn hải quân thân mến, tôi đã giã từ cuộc sống lứa đôi nhỏ hẹp từ lâu rồi. Các bạn đến để làm chi cho buồn lòng nhau!
theo LàngMai.org
Comments
Post a Comment