Suốt mười ngày đêm mưa bão không ngớt. Mây trời nặng trĩu, núi Tản Viên đã không ngớt vươn cao, đỉnh núi khuất hẳn trong mây.
Nước dâng lên không ngừng. Nước ngập hết ruộng đồng nhà cửa và các lũy tre trong khi bão tố gầm thét vang trời. Nước ngập hết một vùng bao la. Đây đó chỉ còn thấy những đọt cau và những tàu cau, trong mưa gió, vung vẩy như những cánh tay muốn soài lên, vươn cao khỏi mặt nước. Thuyền bè cứu lụt nhiều chiếc bị lật; tiếng người kêu ơi ới lẫn trong tiếng mưa gió. Người ta nói nước đã dâng đầy khắp nơi, ở Phong Châu cũng thế.
Ấy vậy mà mưa gió vẫn tiếp tục gào thét, nước vẫn tiếp tục dâng cao. Các loài thủy quái từ đâu xuất hiện không biết cơ man nào mà kể quanh chân núi Tản Viên. Dân chúng sống dưới chân núi chạy lụt có đến hàng sáu bảy ngàn người. Nước càng dâng thì họ càng trèo lên thêm, mang theo nào nồi nào niêu nào chén nào bát… Thủy Vương mang nước lên đánh Sơn Vương để cướp cho được nàng Mỵ Nương con của vua Hùng. Thủy Vương mang theo biết bao nhiêu loài thủy tộc, cá sấu, cá mập, rắn nước cùng nhiều loại kình ngư khác, cùng dâng nước lên quyết đuổi cho kịp Sơn Vương và Mỵ Nương.
* * *
Hai thần Thủy Vương và Sơn Vương vốn là hai anh em. Khi Thủy Vương cùng bốn mươi chín người khác theo Long Vương về miền sông biển, thì Sơn Vương ở lại miền núi. Có một độ, Sơn Vương lưu lại rất lâu tại động Gia Ninh ở Châu Phong. Thủy Vương có lần đã từ miền biển lên thăm chàng và ở lại đây mấy tháng. Khi trở về cung, Thủy Cung ngỏ ý mời Sơn Vương về biển xem chơi cho biết. Sơn Vương nhận lời và theo Thủy Vương về biển. Chàng ở lại thủy cung một thời gian khá lâu.
Sơn Vương tính tình điềm đạm hay thương người, thường được mọi loài thủy tộc thương mến. Thủy Vương là người vụt chạc, nóng nảy và lại có tính hay ghen ghét. Nhưng Thủy Vương lại là người hoạt động, thống lĩnh trong tay nhiều loại kình ngư. Thủy Vương lại được Long Vương giao trách vụ làm mưa từ tháng bảy đến tháng chạp. Công chúa Sita, con gái yêu của Long Vương thì được giao trách nhiệm làm mưa từ tháng giêng cho đến tháng sáu. Long Vương bận nhiều công việc ở thủy phủ, nên đã giao công việc làm mưa cho hai người.
Sau một thời gian ở biển, Sơn Vương nhận thấy rằng mình không ưa cảnh vật quá giao động ở đây. Chàng từ hải quốc qua cửa biển Thần Phù mà về, có ý tìm một nơi cao ráo đẹp đẽ mà ở. Chàng lấy thuyền, chèo thong thả, vừa đi vừa ngắm cảnh vật, trong lòng cảm thấy an tĩnh, dễ chịu. Theo sông Cái, chàng chèo đến làng Long Đậu ở thành Long Biên, thấy cảnh đẹp người vui chàng đã muốn ở lại. Nhưng sau đó nhận thấy cảnh chợ hơi náo nhiệt, chàng lại xuống thuyền, từ Long Đậu rẽ sang sông Linh Giang, rồi từ sông Linh Giang rẽ sang sông Phúc Lộc, chèo đến làng Phiên Tân. Nhìn lên chàng bỗng thấy một cảnh tượng hùng tráng: núi Tam Đảo tú lệ, ba đỉnh sắp hàng đứng hùng vĩ trước mặt. Cao nhất và đẹp nhất là núi Tản Viên, cao tột đến mây xanh, hình tròn như chiếc lọng. Chàng liền mở một con đường thẳng đến chân núi.
Quanh miền, không nơi nào mà không đẹp. Dân chúng tố phác, thuần hậu. Chàng lên núi tìm một nơi có tầm nhìn rộng và đẹp, làm chỗ cư trú. Từ đó, tiêu dao tự tại một mình nơi triền cao núi Tản.
Chàng thường xuống núi, nói chuyện với dân chúng. Có khi chàng leo lên đỉnh Thạch Bàn hay đỉnh Vân Mộng chơi và ở lại hàng tháng. Có khi chàng đến Uyên Động, rồi sang Nham Tuyền, vọc suối, trèo cây. Có khi chàng ra sông Chiết Giang ngồi xem cá lội, nhớ lại thời cư trú dưới thủy phủ.
Chàng yêu mến dân chúng quanh vùng. Thấy dân còn chất phác dại khờ, chàng dạy cho họ đưa nước vào ruộng, dùng dụng cụ bằng gỗ bọc đồng để cày bừa, gieo hạt lúa và trồng cây bông. Chàng lại dạy cho dân biết lấy bông kéo sợi, dệt thành những cuộn vải trắng và lấy vải may áo mà mặc. Dân chúng miền ấy cứ để vải trắng như vậy mà mặc, không cần nhuộm màu đà hay màu lá chuối, cho nên tứ xứ gọi họ là "dân áo trắng miền thượng".
Dân chúng thường chỉ chặt cây, gác lại thành hai mái và bứt cỏ tranh lợp phía trên để ở. Sơn Vương liền chỉ cách cho họ dựng những chiếc nhà sàn cao ráo, chẻ tre đang liếp làm tường và đánh tranh thành từng cuộn dài để lợp nhà. Dần dần dân chúng dưới chân núi và quanh đó thấy đời sống mình dễ chịu hơn lên, rất cảm mến và biết ơn chàng. Họ tôn chàng là "vua núi Tản Viên".
Có lần chàng phải về thủy phủ cầu cứu với Long Vương đi diệt một con Hồ Tinh hay ăn thịt người. Đây là một con chồn chín đuôi, sống hơn một nghìn năm, đã biến thành yêu quái. Hồ Tinh ở trong một cái hang đá dưới chân núi Tiểu Thạch. Có lúc nó hóa thành khỉ, có lúc thành người, đi trà trộn vào trong thôn xóm. Khi biến thành người, nó cũng mặc áo vải trắng sạch sẽ và dễ thương như người con trai và con gái Văn Lang, cũng biết hòa lẫn vào trong những cuộc tụ họp của trai gái để ca hát và nhảy múa. Thỉnh thoảng nó dụ được những người con trai và con gái về hang động và tìm cách giam hãm lại để ăn thịt. Hồ Tinh biến hiện mỗi lần một hình thức khác, cho nên không ai tìm ra được chân tướng của nó.
Sơn Vương tuy tìm ra được chân tướng của Hồ Tinh, nhưng không trừ khử được bởi nó biến hóa mau lẹ một cách khôn lường; hang động của nó rất nhiều, đuổi hang này thì nó luồn vào hang khác, có những hang mà lối vào nhỏ quá chỉ có những con chồn mới vào lọt được.
Khi Sơn Vương xuống thủy phủ cầu cứu, Long Vương cùng bộ hạ đã cùng dâng nước lên đánh Hồ Tinh. Thủy Vương được theo làm phụ tá. Long Vương dâng nước lên làm ngập hết tất cả mọi huyệt động ở dưới chân núi Tiểu Thạch. Hồ Tinh không có lối nào thoát được phải hiện hình chạy lên núi và bị Sơn Vương trừ diệt. Nước dâng lên cao và mạnh quá, đã đào thành một cái đầm lớn, ở giữa có vực rất sâu. Dân chúng sau đó gọi đầm này là hồ Tây.
Hồ Tinh bị trừ diệt, dân chúng được an ổn, Sơn Vương lại đi ngao du cảnh núi nước. Một hôm đang ngồi xem cá lội ở sông Chiết, chàng bỗng chú ý đến một con cá hồng bé tý đang quẫy đuôi làm hiệu dưới nước. Chàng đưa tay bụm nước đưa cá lên, thì cá bổng hóa thành một người con gái diễm tuyệt, ngồi bên cạnh chàng. Sơn Vương la lên:
Sita!
Đúng là Sita con gái của Long Vương, nàng lại hóa hình con cá đi chơi. Sita ngồi bên cạnh chàng và hỏi thăm cuộc sống của chàng từ khi chàng rời thủy phủ. Sơn Vương nói cho nàng nghe những thú vui sông núi, những cảnh trí thanh nhã quanh vùng. Chàng cũng nói cho công chúa nghe về đời sống dân dã quanh những chân núi. Công chúa Sita ngỏ ý muốn lên thăm núi Tản Viên nơi chàng cư ngụ. Chiều ý, Sơn Vương dẫn nàng đi. Qua những xóm nhà sàn, gặp những người trai gái mặc áo trắng, Sita trố mắt nhìn, rất lấy làm vui thích.
Nàng mặc một chiếc áo màu hồng nên ai cũng nhìn. Ở đây ai cũng mặc áo trắng, kể cả Sơn Vương. Dân chúng nhìn hai người một cách kính mến. Họ không biết cô gái xinh đẹp mặc áo hồng kia là ai. Nhưng thấy chàng ai cũng nắm hai tay trước ngực cúi đầu chào. Sita rất thích kiểu chào đó của dân chúng trên đất. Thấy Sơn Vương nắm hai tay trước ngực để chào lại mọi người, nàng cũng bắt chước làm như thế.
Hai người leo lên tới lưng chừng ngọn núi Tản thì trời vừa đúng giữa trưa. Nhìn xuống Sita thấy cảnh vật dưới núi cực kỳ tú lệ. Những khóm nhà ẩn dưới những bụi tre xanh, những con sông uốn mình qua các đồng bông, vườn cây và ruộng lúa. Nhìn lên, nàng thấy những đám mây. Những đám mây trắng bay ngay gần sát đầu hai người. Đỉnh núi Tản khuất trong mây. Một đàn dê núi tới gần. Sơn Vương hái những lộc non cho dê ăn. Một đàn chim non bay sà tới, ríu rít. Sita cũng lấy lúa cho chim ăn và sung sướng nhìn những con chim bay tới đậu trên cánh tay nàng. Một lúc sau, nàng nói:
Sơn huynh ở đây thích thật. Cảnh vật rất là thanh tú. Nhưng em vẫn thấy còn thiếu một cái gì.
Cô muốn nói thiếu gì?
Để em xem… Còn thiếu bóng hình của một cô con gái.
Sơn Vương phì cười:
Thì có cô đang ngồi đấy. Cô cứ thỉnh thoảng bơi về sông Chiết, tôi lại sẽ xuống đón cô lên chơi.
Sita cười:
Không phải bất cứ cô gái nào. Em biết trên đời chỉ có một cô gái là xứng đáng được lên ở đây với Sơn huynh mà thôi. Nhưng em không nói đâu.
Sơn Vương cười:
Cô không nói thì thôi.
Ngồi chơi đến chiều. Sita đứng lên. Cô nói:
Thôi em về.
Chàng đứng lên, tiễn cô công chúa long cung xuống núi. Khi hai người đi tới một khe suối nước chảy róc rách, Sita ngừng lại. Nàng nói:
Sơn huynh thả em xuống dòng suối này cũng được. Em sẽ bơi về sông và sau đó sẽ tìm về biển.
Và nàng nhìn chàng:
Người đẹp hồi nãy em nói đó hiện đang ở Phong Châu. Đó là người đẹp nhất trên mặt đất, theo em biết. Em đã đi chơi khắp nơi, và đã thấy nhiều mỹ nhân nhưng chưa có ai bằng được người đó. Em khuyên Sơn huynh nên đến xin nàng. Nàng là một Mỵ Nương, con gái Hùng Vương. Em không biết tên. Vì nàng là con gái một của vua nên người ta chỉ gọi là Mỵ Nương. Sáng mai Sơn huynh nên về Phong Châu ngay đi.
Nàng cười, và rón rén bước chân xuống suối, tay vịn vào một nhành thông cho khỏi ngã. Khi cả hai chân nàng đã chấm nước, nàng nghiêng mình biến mất. Sơn Vương nhìn xuống mặt nước, có một con cá hồng quẫy đuôi chào chàng, rồi theo dòng bơi đi.
Chàng mỉm cười, theo lối mòn trở lên trên núi. Bầy sơn dương còn đó, và bọn chim rừng lại tới đậu trên vai chàng. Một lát sau, chàng vào động lấy ra một vò rượu và một cái chén nhỏ. Chàng ngồi uống rượu và nhìn trời đất một mình. Bỗng chàng chú ý đến một bàn cờ chàng đã khắc trên một phiến đá bằng phẳng. Chàng cảm thấy lời của cô gái thủy cung là đúng và cảm thấy khung cảnh hơi trống trải. Chàng định sáng mai đi Phong Châu, để xem mặt nàng Mỵ Nương mà Sita gọi là "người đẹp nhất trên mặt đất". Chàng mỉm cười khi nhớ đến vẻ mặt tinh nghịch của công chúa thủy cung.
Sáng hôm sau, khi Sơn Vương có mặt tại triều đình, chàng nhận thấy Thủy Vương cũng có mặt ở đó. Chàng lấy làm lạ, nhưng chàng chỉ chào mà không hỏi vì cớ gì Thủy Vương cũng có mặt nơi cung điện vua Hùng. Nhưng Thủy Vương đã nói:
Chiều hôm qua, tôi gặp Sita ở trên đất về. Tôi hỏi nó ở đâu về, nó nói ở trên núi Tản Viên. Tôi hỏi nó đi gặp Vương huynh có chuyện gì, nó nhất định không nói. Tôi dọa nó, nó cũng không chịu nói, mãi đến lúc tôi định bóp cổ nó nó mới chịu nói thực. À thì ra vương huynh định đến hỏi cưới Mỵ Nương. Nhưng tôi đã có ý này từ lâu, hôm nay tôi cũng đến đây để hỏi cưới Mỵ Nương. Ha ha! Để xem ai có duyên hơn ai.
Sơn Vương lắc đầu mỉm cười, hơi khó chịu. Nhưng chàng lặng thinh không nói năng gì. Vừa lúc ấy quân hầu ra báo với hai chàng là vua Hùng cho vời cả hai thần nhân cùng vào một lúc.
Vào đến cung điện, hai chàng được vua Hùng mời ngồi trên cẩm đôn gần bên ngài. Vua vuốt bộ râu dài bạc phơ, nói:
Hân hạnh được hai thần cùng một lần đến viếng. Xin cho quả nhân biết chủ đích.
Thủy Vương nói:
Tệ thần hôm nay đến đây cốt ý là để xin đức vua quý Mỵ Nương diễm lệ. Tệ thần xin tuân theo những điều kiện mà đức vua đặt ra.
Vua Hùng gật đầu và quay lại hỏi Sơn Vương:
Còn quý nhân chắc cũng có mỹ ý gì cho nên đến thăm ta hôm nay. Xin cho quả nhân được biết.
Sơn Vương từ tốn nói:
Tệ thần sở dĩ hôm nay đến đây cũng là để xin Mỵ Nương.
Vua Hùng vuốt râu cười ha hả:
Tiếc là trẫm chỉ có được một gái. Nếu ta có hai Mỵ Nương thì tiện biết bao nhiêu. Bây giờ biết làm thế nào?
Một vị Lạc Hầu ngồi bên kính cẩn tâu:
Hiện nay đất nước ta đang bị họ Thục đe dọa lập tâm phản loạn. Tuy họ mới chiếm cứ được một dải đất nhỏ, nhưng họ có mưu kế nhiều. Vậy xin đức vua chọn trong hai thần, vì nào có tài năng cứu nước thì gả Mỵ Nương cho. Như vậy vừa giải quyết được chuyện cưới gả vừa giải quyết được chuyện giữ nước giữ dân.
Vua Hùng vừa xoay sang vị Lạc Hầu vừa mới tâu trình:
Ý của khanh hay lắm, nhưng làm thế nào để biết người nào có tài hơn người nào?
Tâu đức vua kính mến, sẳn đây xin thử pháp thuật của hai thần. Người nào pháp thuật cao hơn, người đó sẽ được Mỵ Nương.
Vua Hùng vừa mới gật đầu xoay ra lập lại lời Lạc Hầu, thì Thủy Vương đã đưa tay làm ấn quyết, miệng đọc thần chú. Sấm sét nổi dậy ầm ầm, trời đang sáng bỗng tối sầm lại. Mọi người nhìn ra thì mây đen đã phủ kín… Tiếng gào thét của nước sông và của các loài thủy quái không biết từ đâu vọng lại vang dậy. Thủy Vương lại bắt ấn: phút chốc sấm sét lặng tiếng, trời đất sáng sủa như trước. Ai nấy đều gật đầu tán thưởng pháp thuật cao cường của Thủy Vương. Và mọi người hướng nhìn về phía Sơn Vương.
Sơn Vương ngồi yên trên cẩm đôn. Chàng nghiêng mình đưa bàn tay ra quét sát nền cung điện. Bàn tay trở thành một cánh đồi, trên đó có vua Hùng và mọi người đang ngồi. Bàn tay Sơn Vương đưa mọi người ra khỏi tòa cung điện và lên cao, lên cao mãi… Mọi người thấy mình đứng trên một trái núi cao ngất trời xanh, nhìn xuống thấy thành Phong Châu và cung điện chỉ còn lớn bằng một bàn tay.
Một lát sau, trái núi hạ thấp dần trở thành cánh đồi và đưa trở lại cung điện. Sơn Vương rút bàn tay lại: mọi người thấy mình còn ngồi yên trên cẩm đôn như cũ. Vẻ mặt của Sơn Vương lặng yên, không có gì thay đổi. Nhưng mọi người đều nhận thấy nét mặt của Thủy Vương tái xanh.
Nhưng vua Hùng đã lên tiếng:
Trẫm thấy quyền phép của hai vị ngang nhau, khó có thể phân hơn kém. Thôi thì để Trẫm hỏi Mỵ Nương xem có ý kiến gì về việc chọn lựa không. Dù sao việc này cũng là việc liên hệ trực tiếp đến nó. Mỵ Nương ở đâu?
Vừa dứt lời thì một người con gái bước ra. Nàng đẹp như ánh sáng của mùa xuân, tóc như liễu, trán như bình minh, môi như hoa sen, vóc như dòng sông, dáng đi như sóng lúa. Sơn Vương nhìn nàng kinh ngạc. Chưa bao giờ chàng thấy một người con gái đẹp đến thế, và chàng thầm phục công chúa Sita.
Thủy Vương cũng nhìn Mỵ Nương sửng sốt. Chàng dặn lòng nhất quyết không để Mỵ Nương lọt vào tay thần núi Tản Viên.
Mỵ Nương tâu, giọng nàng êm dịu và trong như nước mưa trên hồ sen biếc:
Xin vua cha truyền cho hai chàng hễ sáng mai người nào đem sính lễ tới trước là người đó được vua cha chọn.
Vua Hùng gật đầu, ngài bảo với hai thần:
Ta chuẩn lời của Mỵ Nương. Vậy trong ngày mai, thần nào đem sính lễ tới trước thì thần ấy sẽ được Mỵ Nương. Nên nhớ là sính lễ phải tươm tất xứng với một đám cưới quốc gia.
Hai thần đều lạy tạ và rút lui.
Sáng ngày mai, lúc trời còn mù sương. Sơn Vương đã có mặt tại cung điện. Dân chúng quanh vùng Tam Đảo suốt đêm đã giúp chàng tìm ra bao nhiêu là vật quý như ngà voi, sừng tê, trầm đàn, ngọc lan, vỏ quế. Các loài hươu nai chim chóc cũng đã thức suốt đêm để giúp chàng. Một chiếc xe lớn do đoàn sơn dương tới hai mươi con kéo, chất đầy sản phẩm quý giá của rừng núi đã được bàn tay chàng chở về gần cung điện. Tới gần cung điện vua Hùng rồi, chàng mới rút bàn tay ra, và đoàn sơn dương chạy lóc cóc kéo những chiếc xe chất đầy sính lễ vào cung.
Vua Hùng đã thức. Mỵ Nương cũng đã thức. Vua báo con gái trang điểm gấp để theo chồng. Mỵ Nương tâu vua là nàng đã làm xong công việc ấy. Nàng nắm lấy cánh tay vua, khóc sướt mướt. Những giọt nước mắt nóng thấm vào vai hoàng đế. Vua Hùng đứng dậy, dắt nàng ra. Khi đến sân rồng nơi Sơn Vương đang phủ phục. Ngài nâng chàng dậy và nói:
Ta rất mừng thấy ngươi đến trước. Chắc con ta cũng vậy. Hãy nhận lấy hạt ngọc quý nhất của ta và của thành Phong Châu. Và hãy đem hết tài năng để giữ gìn đất nước.
Sơn Vương muốn lạy tạ nhưng Hùng Vương hối chàng ra đi ngay cho kịp.
Chiếc xe sơn dương đã đưa hai người ra khỏi cổng thành, mà vua Hùng còn lưu luyến nhìn theo. Hai giọt nước mắt trào ra, ngài vội lấy tay áo bào chùi đi và lui vào tẩm điện.
Trên xe Mỵ Nương nói với Sơn Vương:
Hôm qua, em biết chắc thế nào chàng cũng đến trước, cho nên mới đề nghị chuyện thi đua sính lễ.
Sơn Vương không nói gì, chàng cúi xuống hôn lên tóc Mỵ Nương, và giật nhẹ cương cho đoàn sơn dương chạy mau hơn chút nữa.
Đến gần trưa, Thủy Vương mới đến. Từng đoàn người khiêng những mâm lớn trên có ngọc trai, san hô và trăm ngàn thứ bảo vật khác tìm được dưới thủy phủ. Đoàn người tuần tự đi vào cung, đặt những mâm châu báu ấy xuống sập ngự.
Thủy Vương nóng ruột lắm nhưng cũng làm ra vẻ có lễ phép và phong độ. Mấy lần rồi chàng nhờ người vào thông báo, mấy lần rồi vua Hùng vẫn lặng tiếng.
Bỗng chàng túm lấy cánh tay người lính hầu, hỏi:
Từ sáng đến giờ có thần núi đến đây hay không?
Người lính hầu bị Thủy Vương nắm tay, đau quá, kêu lên một tiếng "ái". Ông ta xin Thủy Vương buông tay ông ta ra, rồi vừa xuýt xoa vừa nói:
Sơn Vương tới đây từ hồi tờ mờ sáng với sính lễ đầy đủ. Đức vua y hẹn đã gả Mỵ Nương. Sơn Vương đã đưa Mỵ Nương lên núi Tản Viên rồi.
Nghe tới đây, Thủy Vương quát lên một tiếng giận dữ. Tiếng quát làm rung chuyển cả đền đài. Vua Hùng nghe tiếng quát, định ra an ủi chàng rễ hụt. Nhưng Thủy Vương đã gạt đổ những mâm châu ngọc và phi thân nhảy ra khỏi cung điện.
Chàng niệm chú, mây kéo đen nghịt. Sấm nổi ầm ầm, nước dâng từ biển lên cuồn cuộn. Rồi mưa đổ xuống như thác. Trong suốt mười ngày mười đêm nước mưa từ rừng đổ về, tràn ngập các con sông, tràn ngập nhà cửa ruộng đồng. Bão tố nổi lên dữ dội trên mặt biển. Nước biển dâng lên, phụ vào với nước nguồn, bao quanh chân núi Tản Viên. Các loài thủy quái dưới quyền điều khiển của Thủy Vương tấn công bốn phía như bão táp. Thủy Vương quyết đuổi theo Sơn Vương và giành lại cho được nàng Mỵ Nương kiều diễm.
Sơn Vương và Mỵ Nương ở trên núi cao, vì nước không dâng lên được nên không bị thiệt hại gì. Nhưng thấy hàng ngàn dân chúng sống ở quanh núi bị Thủy Vương dâng nước làm hại, hai người không nỡ ở mãi trên cao. Họ đi xuống lẫn vào trong dân chúng, giúp đỡ chỉ dẫn cho dân chúng cách thức chống lại cuộc tấn công của Thủy Vương. Chàng sai các loài hươu nai và sơn dương khiêng kéo giúp những dụng cụ của dân tỵ nạn lên núi. Chàng lấy lưới sắt giăng dưới chân núi, ngăn loài thủy quái. Chàng dạy cho dân cách điều phục những con cá sấu và thuồng luồng. Mỗi khi có một con cá sấu bò lên, hai người dân cầm một chiếc gậy dài đè lên cổ con cá sấu. Hai người khác tới trói chân và miệng cá sấu lại. Mỵ Nương chỉ dẫn cho các bà mẹ mang con lên đặt ở những chỗ yên ổn nhất. Nàng sai bảo các loài chim đi tìm trái cây đem về cho các em bé. Trong khi đó, Sơn Vương ra lệnh xô những tảng đá trên sườn núi xuống để tấn công lại những loài thủy tộc.
Thủy Vương nhận ra rằng khó mà chiến thắng được Sơn Vương. Mỗi lần chàng dâng nước thêm cao, Sơn Vương lại dời chỗ ở lên cao hơn. Ngọn núi Tản Viên cứ lên cao mãi, có lẽ đã vượt quá mây xanh. Loài thủy tộc bị bắt rất nhiều và bị thương do những tảng đá trên sườn núi lăn xuống cũng lắm. Xác các loài thủy tộc nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chàng hóa thành một thủy quái Makara, dài mấy ngàn trượng, vùng vẫy tạo thành sóng gió. Trong khi phẫn nộ miệng thủy quái tiết ra một loại chất độc đen ngòm. Chàng tạo nên bão tố, đưa những bọt sóng lớn cao bằng nóc nhà tấp vào bốn bên sườn núi. Những đợt sóng mang theo chất độc kia bắn tung tóe vào đàn bà, trẻ em và những người chưa kịp leo lên cao, khiến thân hình họ bị cháy nám rất kinh khiếp. Những loài thủy tộc đang chiến đấu gần các bờ nước cũng bị chất độc kia làm hại. Chúng cũng cảm thấy thịt da cháy nám, kêu khóc và gầm thét vang trời. Sơn Vương thấy thế rất lấy làm đau xót. Chàng hét bảo Mỵ Nương và mọi người leo cao thêm lên núi khỏi tầm sóng vỗ, và nâng những tảng đá lớn bằng mái nhà liệng xuống đầu thủy quái Makara.
Trong khi cuộc chiến xảy ra khốc liệt như thế thì công chúa Sita xuất hiện. Nàng đã trông thấy tất cả, nàng đã chứng kiến tất cả những khổ đau mà dân chúng hai bên đang chịu đựng. Lẫn trong đám thủy quái, nàng là một con cá lia thia sáu màu. Những giọt nước mắt trong như pha lê của nàng rơi xuống biển thành những hạt ngọc. Đột nhiên nàng rùng mình biến thành một con giao long lớn, dài hàng ngàn trượng. Nàng vươn tới, nuốt hết những chất độc đen ngòm do thủy quái Makara tiết ra. Gan ruột nàng cháy bỏng. Nhưng nàng can đảm tiếp tục nuốt hết những chất đen đang pha dần trong nước, những chất đen làm dân chúng cả hai phía vùng vẫy khốn khổ. Rồi giao long chuồi mình trên đất liền. Động tác ấy tạo thành một con kinh lớn và dài. Bên bờ kinh đất nhô cao lên, khiến nước nguồn đang tràn về có lối chảy trực tiếp chảy ra biển cả. Bờ kinh ngăn chận không cho nước tiếp tục chảy tràn vào miền trung nguyên và hạ nguyên, đồng thời ngăn chặn lại mọi loài thủy quái. Thủy Vương thấy vậy rất lấy làm căm giận. Nhưng sức chàng đã kiệt. Các loài thủy quái dưới sự điều khiển của chàng cũng đã kiệt sức. Vương liền ra lệnh lui quân. Gió bão yên dần, và mặt nước từ từ hạ thấp. Chàng tự hẹn sẽ mở những cuộc tấn công khác, để đoạt cho kỳ được nàng công chúa diễm lệ.
*
* *
Sáng hôm sau, khi Sơn Vương và Mỵ Nương xuống núi, một cảnh hoang tàn trải ra trước mắt hai người. Nhiều căn nhà bị nước cuốn trôi đi chỉ còn trơ lại nền nhà trống trải. Xác trâu bò gà vịt ngổn ngang. Các đồng lúa hư hại tan nát. Rơm rác vương đầy trên các ngọn tre và các đọt cau. Xác người và xác thú vương mắc trong các bụi rậm. Dân chúng đâu đã trở về đó, đang ra sức dọn dẹp và dựng lại cơ nghiệp. Hai người tìm đủ mọi cách để an ủi và giúp đỡ dân chúng. Không ai mở lời oán trách Sơn Vương và Mỵ Nương; họ chỉ lắc đầu than thở về cảnh cốt nhục tương tàn. Chưa bao giờ con cháu cùng một nòi giống lại đi tàn hại nhau dữ dội đến thế. Biết bao nhiêu người bị vương chất độc của thủy quái Makara đang nằm rên xiết quằn quại.
Chiều hôm ấy trên đường về núi, hai người nghe tiếng rên trong một huyệt động, dưới chân núi. Khi tìm tới vào huyệt động, Sơn Vương và Mỵ Nương thấy một người con gái nằm nghiêng trên một vũng nước, quằn quại đau đớn. Sơn Vương biết đó là công chúa Sita.
Cổ họng và gan ruột nàng đang bị chất độc của thủy quái Makara hành hạ. Sơn Vương muốn đỡ nàng ngồi dậy, nhưng Sita lắc đầu. Nàng bảo nằm nghiêng như thế bớt đau hơn. Hai người ngồi yên bên nàng. Sơn Vương nói cho Mỵ Nương nghe vì sao Sita đang phải gánh chịu cực hình này. Nếu không phải là long nữ con gái của Long Vương thì số lượng chất độc nàng nuốt phải đã làm cho nàng chết ngay trong khoảnh khắc. Nếu nàng có thể chịu đựng được trong ba tháng thì chất độc sẽ ra khỏi thân thể nàng. Trường hợp chất độc dính vào da, như trường hợp dân chúng trên đất, dưới nước, thì nhẹ hơn. Nếu có thuốc thoa, họ có thể lành bệnh trong vòng bảy hôm. Nhưng thuốc ấy phải được chế tạo bằng sự phối hợp những thảo dược trên núi pha lẫn với nước bọt của loài rồng. Sita hối thúc Sơn Vương đi ngay để tìm cách chế thuốc cứu dân.
Sơn Vương dặn Mỵ Nương ở lại huyệt động săn sóc công chúa thủy phủ. Chàng lên núi, triệu tập các loài chim, sai chúng đi tìm về cho chàng những cây lá dùng làm thuốc. Rồi chàng cấp tốc về thủy phủ, xin nước bọt của loài rồng. Thuộc đường về thủy phủ, không mấy chốc chàng đã tới được long cung. Các bạn rồng nghe chàng nói chuyện xảy ra, đều vui lòng hiến tặng nước bọt. Chàng dùng một chiếc bình để đựng, gọi là bình Long Diên Hương.
Khi trở lên, chàng sắc các thứ thảo dược đặc lại và pha trộn với Long Diên Hương. Thứ thuốc bào chế ra là một thứ cao, có mùi thơm ngào ngạt. Chàng đem xuống núi chữa trị cho những trẻ em và người lớn bị phỏng vì chất độc. Thuốc thoa tới đâu là dịu mát tới đó. Chàng lại đem thuốc xuống biển, giao cho một người bạn cũ nhờ đem đi chữa trị cho các loài thủy tộc đã bị chất độc làm cháy da cháy thịt.
Ba tháng đã trôi qua, công chúa Sita bình phục. Nàng nói với Sơn Vương và Mỵ Nương:
Thuốc của Sơn huynh chỉ có thể chữa bệnh ngoài da; còn bệnh của em không có cách gì chữa trị được, vì em đã nuốt quá nhiều chất độc. Cuối tháng chạp em đã có trách nhiệm làm mưa Xuân. Cũng may mà cơn đau của em chỉ kéo dài trong ba tháng, nếu không, em sẽ không thể làm mưa vào mùa Xuân và dân chúng trên đất sẽ rất khổ sở. Mỵ Nương nhớ lại những cơn mưa Xuân nhè nhẹ, những hạt mưa Xuân phơi phới bay và những lớp bụi mưa phủ trên cây cỏ. Hôm nay biết được rằng Sita là người làm ra những trận mưa đó, nàng nhìn công chúa thủy cung với đôi mắt cảm mến và kính phục. Nàng định nói một đôi lời khen ngợi, nhưng Sita đã buồn bã tiếp:
Sơn huynh hãy cẩn thận. Thủy Vương có thể sẽ tiếp diễn cảnh nồi da xáo thịt nhiều lần nữa, mà mỗi lần như thế dân chúng hai bên sẽ chịu đựng không biết bao nhiêu là cực khổ. Thủy Vương đã được giao quyền làm mưa trong mùa thu và mùa đông. Thủy Vương có thể lợi dụng việc đó để làm mưa làm bão, dâng nước lên để đánh Sơn huynh, làm cho sinh linh hai bên đồ thán. Trong cơn giận dữ, dưới hình thái thủy quái Makara, Thủy Vương có thể tiết ra bao nhiêu chất độc, và nếu chuyện đó xảy ra, em lại phải hóa hình giao long, nuốt hết chất độc vào bụng để cứu dân.
Mỵ Nương la lên:
Khổ quá! Thế thì không còn cách gì khác hơn hay sao?
Sita nhìn nàng, bình tĩnh:
Không có cách gì khác. Chỉ có cách ấy. Em phải hóa thành một có giao long thật lớn và nuốt hết chất độc vào ruột trước khi chất độc tan ra trong nước. Sự giận dữ bao giờ cũng tiết ra chất độc như vậy. Mỗi lần nuốt vào bụng chất độc kia, em sẽ phải nằm nghiêng chịu đựng đau đớn trong ba tháng, không có cách gì làm khác hơn. Nhưng em cầu xin một điều là nếu các cuộc giao tranh tiếp diễn, xin Sơn huynh và chị tìm mọi cách để tránh thiệt hại cho dân.
Sơn Vương hỏi:
Phải làm sao?
Sơn huynh phải cho dân chúng trên đất đào những con kinh liên lạc từ sông này ra sông khác để cho nước nguồn có lối chảy thẳng ra biển mà không tràn vào bình nguyên. Lại nên đắp đê cao để chận nước và ngăn các loài thủy quái. Đừng lăn đá trên núi xuống để giết hại các loài thủy tộc, chỉ nên dùng đê cao và giăng lưới sắt là đủ. Nếu Sơn huynh và dân chúng chỉ tìm cách tự vệ mà cố gắng tránh cho đối phương sự giết hại thì dần dần loài thủy tộc sẽ nhận ra thiện chí của Sơn huynh. Em sẽ chuyền tai trong mọi loài dưới biển để tạo thêm sự hiểu biết và yêu thương, mong rằng thù hận sẽ tiêu tan và những cuộc tương sát giữa các loài anh em một ngày kia sẽ không còn tiếp diễn nữa.
Nàng cười, và quay lại Mỵ Nương:
Còn chị, chị còn là người phàm, phải gắng công tu luyện để thành bất tử. Ngoài công việc giúp dân, chị cũng cần học đạo.
Nàng đứng dậy và từ giã hai người:
Thôi em xin cáo từ. Cám ơn anh chị đã săn sóc em trong suốt ba tháng trời.
Hai người tiễn Sita xuống núi. Đến dòng suối, trước khi bước chân xuống nước, nàng nhìn hai người, dặn dò:
Xin Sơn huynh và chị nhớ chuẩn bị cho xong xuôi trước tháng Bảy, để có đủ thì giờ bảo vệ đời sống của dân, nếu lụt lội lại xảy ra. Và nhớ đem lòng yêu thương để đối lại với mọi loài.
Nàng bước xuống suối, nghiêng mình biến thành con cá nhỏ màu hồng. Con cá nhỏ quẫy đuôi chào hai người, rồi bơi theo dòng nước suối trong vắt.
Mỵ Nương choàng tay lên cổ Sơn Vương, hai mắt nàng ướt đẫm.
theo LàngMai.org
Comments
Post a Comment